Xử lý sao với tôm tạp chất?

Cập nhật: 03-12-2010 | 00:00:00

Cơ quan chức năng vừa công khai danh tính 36 cơ sở sử dụng tôm có tạp chất, trong đó 5 doanh nghiệp tái phạm bị đình chỉ hiệu lực công nhận điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong 6 tháng. Trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải hoạt động cầm chừng vì thiếu tôm nguyên liệu.

 

Giá cao kỷ lục

 

“Tôm nguyên liệu đang có giá cao nhất từ trước đến nay. Các xí nghiệp chế biến thủy sản chỉ hoạt động hơn 50% công suất thiết kế”, ông Lê Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nói. Hiện nay, tôm sú loại 30 con/ kg giá 165.000 đồng/kg, phá kỷ lục mức giá năm ngoái là 150.000 đồng/ kg.

 

 Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. 

Cà Mau hiện có 33 xí nghiệp chế biến thủy sản, cần đến 250.000 tấn tôm nguyên liệu. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng một nửa. Năm nay, Cà Mau có 35.000 ha, Bạc Liêu có 30.000 ha tôm nuôi chết vì dịch bệnh.

 

Tình hình thiếu tôm nguyên liệu ở xứ tôm càng gay gắt khi thị trường mở cửa và nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng vào khai thác.

 

Theo thống kê của Hội Chế biến Thủy sản và Xuất khẩu Cà Mau, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc 9.176 tấn tôm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tìm được thị trường tại Trung Quốc. Giá nhập khẩu tôm của Trung Quốc tương đối cao, thị trường gần nên hấp dẫn doanh nghiệp, ông nói.

 

Đổ lỗi

 

Trước ý kiến cho rằng Trung Quốc mua tôm lẫn tạp chất, ông Thuận nói: “Việc thiếu tôm nguyên liệu, chống tạp chất không hiệu quả thì đừng đổ cho bên ngoài như thế. Tôm chứa tạp chất xuất hiện hơn 15 năm nay, càng chống càng tăng. Từ đinh sắt, rồi tăm tre găm vào tôm. Các xí nghiệp trang bị máy rà kim loại. Bây giờ là bơm agar (rau câu) để tăng cỡ loại để được giá cao”.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Cty Camimex Cà Mau, nói: “Doanh nghiệp chế biến thủy sản không hề muốn mua tôm tạp chất, cần mua tôm sạch. Nhưng trên thị trường có tôm tạp chất. Khi chúng tôi mua lô hàng vài tấn thì làm sao có thể kiểm hết, chỉ bốc mẫu. Tôm tạp chất vô nhà máy là do vượt qua tầm kiểm tra của chúng tôi”.

 

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc chống đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đang làm mạnh ở khâu lưu thông, khâu chế biến. Nhưng việc chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là ở địa bàn dân cư. Chính quyền cơ sở chưa vào cuộc, người dân thờ ơ thì không thể chống.

 

Ông Đoàn Văn Đây nuôi tôm ở xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) phản ứng: “Nông dân nuôi tôm không được định giá tôm, nay còn đổ thừa cho người nuôi tiêm tạp chất vào con tôm là không đúng. Tôi chỉ ra rằng, thương lái là người tiêm tạp chất và các xí nghiệp tiêu thụ tôm tạp chất. Nếu các xí nghiệp chế biến không mua tôm tạp chất thì thương lái bán tôm cho ai?”.

 

Ông Nguyễn Quân, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương (Cà Mau) đề nghị: “Khi phát hiện tôm tạp chất phải xử lý nghiêm để răn đe. Cấm đưa tạp chất, cấm lưu thông, mua bán, chế biến, xuất khẩu tôm tạp chất, vậy tại sao các cơ quan chức năng phát hiện tôm tạp chất, tịch thu, cho chế biến, xuất khẩu. Đã là hàng cấm, gian lận thì sao doanh nghiệp này bị tịch thu mà không tiêu hủy mà lại bán cho doanh nghiệp khác tái chế, chế biến, xuất khẩu?”.

 

Ông Hồ Văn Dòn, Phó Tổng Giám đốc Camimex kiến nghị: “Ngân sách chi cho chính quyền cơ sở đủ để họ phát hiện, tố giác và xử lý gốc. Ai cũng biết nông dân không bơm tạp chất, chỉ có thương lái bơm tạp chất để tăng giá trị tôm. Nếu cơ chế thưởng cho người phát hiện bằng hoặc cao hơn giá trị lô tôm bị tiêm tạp chất thì sẽ có người tích cực tố giác để chống”.

 

Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: Doanh nghiệp cần nói không với tôm tạp chất và phải thực hiện bằng hành động cụ thể thì mới ngăn chặn được tôm tạp chất”.

 

5 cơ sở tái phạm sử dụng tôm tạp chất vừa bị đình chỉ hiệu lực công nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong 6 tháng gồm: Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản - XNK Việt Cường (Bạc Liêu); Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Hòa Trung ( Cà Mau); Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Minh Châu (Cà Mau); Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (Bạc Liêu); Công ty Cổ phần XNK Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Theo Tiền Phong

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên