Xuất khẩu dệt may: Sẽ đạt chỉ tiêu nhưng khó khăn vẫn tồn tại

Cập nhật: 26-08-2010 | 00:00:00

Trước diễn biến khá thuận lợi khi nền kinh tế các nước nhập khẩu hàng dệt may (DM) của Việt Nam hồi phục, đơn hàng quay về nhiều, bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc DNTN May Quốc tế, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Bình Dương nhìn nhận, với tình hình này, khả năng đạt chỉ tiêu xuất khẩu của ngành DM là hoàn toàn khả quan. Tuy nhiên, ngành DM vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn hạn cũng như dài hạn...

Tín hiệu lạc quan

Bà Trang cho biết, trong năm 2010, ngành DM  Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Trong  7 tháng đầu năm 2010 này, kim ngạch xuất khẩu của ngành DM đã đạt 5,8 tỷ USD, đã tăng 17% so với cùng thời kỳ năm 2009 và đã đạt 60% kế hoạch. Đối với ngành DM Bình Dương, Hiệp hội DM Bình Dương đưa ra mục tiêu đạt 1,1 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu DM của cả nước. Theo con số thống kê, tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu DM của Bình Dương đã đạt gần 600 triệu USD... Như vậy, mục tiêu xuất khẩu của ngành DM sẽ chắc chắn được bảo đảm.

 

Kim ngạch xuất khẩu ngày dệt may tăng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Cũng theo bà Phan Lê Diễm Trang, việc các nền kinh tế như Hoa Kỳ và EU, vốn là thị trường nhập khẩu lớn, có những dấu hiệu phục hồi tốt là một tín hiệu mừng cho ngành xuất khẩu DM nói chung và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu DM Bình Dương nói riêng. Thực tế hiện nay, các đơn hàng đang có xu hướng chảy mạnh về Việt Nam và theo nhìn nhận từ các DN, lượng đơn hàng đã bảo đảm sản xuất đến hết năm 2010, DN hoàn toàn yên tâm để thúc đẩy sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cho biết, đến thời điểm này, các đơn hàng của công ty đang rất ổn định và có xu hương tăng. “Hiện tại, đơn hàng đang tăng nhưng lại thiếu công nhân để sản xuất. Do đó, chúng tôi buộc phải thực hiện lựa chọn khách hàng để bảo đảm tăng năng suất lên...” - ông Anh cho biết. Theo kế hoạch, năm 2010, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD, đến nay đã đạt 2/3 kế hoạch. Theo ông Anh, với những tín hiệu khả quan như hiện nay, ngay trong tháng 11, công ty sẽ bảo đảm đạt kế hoạch đề ra.

Nhưng khó khăn vẫn còn

“Mặc dù thị trường xuất khẩu phục hồi, có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại nhưng nếu so với tốc độ tăng trưởng thời điểm trước khủng hoảng kinh tế diễn ra thì chưa bằng...” - ông Anh nhìn nhận. Đồng quan điểm này, bà Phan Lê Diễm Trang cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa hẳn đã nói lên được sự tăng trưởng và phát triển trở lại của ngành DM, doanh số bảo đảm nhưng lợi nhuận của DN cũng không chắc có thể bảo đảm. Bà Trang phân tích: “Trong năm 2010, việc tăng giá điện và mất điện khiến DN phải dùng máy phát hoặc tăng ca để bảo đảm đơn hàng đã làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất đầu vào. Ngoài ra, việc tăng lương cơ bản cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất của DN lên cao. Trong khi đó, giá các đơn hàng trong mấy năm qua không tăng được là bao...”.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành DM, theo Tổng Thư ký Hiệp hội DM Bình Dương, đó là biến động cũng như chất lượng nguồn lao động. Đối với các ngành khác, có thể sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ để tinh giảm lao động thì ngành DM vẫn chủ yếu sản xuất trên cơ sở lao động nhân lực, máy móc chỉ góp phần tăng năng suất phần nào đó. Trong khi đó, lao động ngành may lại có xu hướng biến động lớn, về chất lượng lao động do không được đào tạo chuyên nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và năng suất chất lượng sản phẩm. Tại DNTN May Quốc tế, theo bà Trang, trước đó có trên 1.000 công nhân nhưng thời điểm này chỉ còn 800 công nhân đang làm việc. Do đó, nếu có thêm các đơn hàng, DN cũng không thể tận dụng được, vì không có đủ lao động để tổ chức sản xuất. “Lao động ngành may chủ yếu là do DN đào tạo, có khi chỉ sau 1 - 2 tuần là làm việc ngay. Mặt khác, thu nhập của người lao động ngành may không cao hơn các ngành khác vì DN không thể tăng lương cao do chi phí đã tăng lên, do đó khó thu hút được lao động ổn định...”, bà Trang cho hay.

Một khó khăn khác, đó là việc tăng giá đồng NDT từ phía Trung Quốc, quốc gia mà ngành DM Việt Nam nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu cũng gây khó khăn cho các DN DM nói chung. Ông Nguyễn Hồng Anh tính toán: “Trước khi đồng NDT tăng giá, chúng tôi nhập khẩu vải từ Trung Quốc với giá 2,2 USD/Jas (0,91m) nay phải nhập khẩu với giá 2,7 USD. Như vậy, giá vải tăng lên sẽ nâng chi phí giá thành sản phẩm lên trong khi nếu các đơn hàng đã ký mà chưa nhập khẩu vải thì DN phải chịu tăng chi phí, còn các đơn hàng mới ký thì buộc DN phải tăng giá lên, sẽ dẫn đến việc khó cạnh tranh về giá với các đơn vị khác...”. Còn theo bà Trang, việc đồng NDT tăng giá gây khó khăn cho DN DM nhiều hơn là những thuận lợi. Thực tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, hàng DM của Việt Nam tuy xuất khẩu tới 70% sản phẩm DM xuất khẩu Việt Nam nhưng lại chỉ chiếm khoảng 5% tại thị trường này. Do đó, việc tận dụng lợi thế từ việc tăng giá đồng NDT để cạnh tranh với hàng DM xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường quốc tế không nhiều, trong khi lại nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

THÀNH SƠN

Bà Phan Lê Diễm Trang, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Bình Dương: Bài toán nguyên phụ liệu rất khó có lời giải!

 Việc tăng giá đồng NDT một lần nữa cho thấy sự phát triển không bền vững của  ngành dệt may do không làm chủ được nguồn nguyên phụ liệu. Mặc dù phía  Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có tính toán phát triển ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong nước nhưng thực tế vẫn chưa có gì thay đổi. Chúng ta hiện mới có được mỗi sản phẩm chỉ may Phong Phú được các đối tác nước ngoài chấp nhận, còn lại ngay cả việc ra đời trung tâm nguyên phụ liệu dệt may ở ngay Bình Dương đến nay không có DN nào tham gia cả. Vấn đề đối với nguyên phụ liệu dệt may trong nước là ai dám đầu tư, đầu tư sản xuất có bảo đảm chất lượng, các đối tác nhập khẩu có chấp nhận hay không? Bản thân DN thì lại muốn nhanh chóng nên sẽ chọn giải pháp là nhập nguyên phụ liệu về để bảo đảm với các đối tác về chất lượng. Do đó, giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may hiện nay quả thật rất khó.

Ông Phạm Phú Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè: Tăng giá đồng NDT DN sẽ gặp khó khăn hơn...

Trong khi, tỷ giá VND và USD vẫn giữ ổn định, tạo thuận lợi cho xuất khẩu thì việc tăng giá của đồng NDT đã gián tiếp làm tăng giá gia công lên, giảm sự cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam. Việc tăng giá NDT dẫn tới việc đẩy giá nguyên phụ liệu cao lên, ảnh hưởng tới cơ cấu giá thành của sản phẩm dệt may. Như vậy, việc tăng giá NDT chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho các DN may gia công xuất khẩu do giá thành gia công bị đôn lên.

ĐÀM THANH (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên