Xuất khẩu gỗ sẽ gặp khó?

Cập nhật: 04-10-2010 | 00:00:00

Mỹ vừa đưa vào đạo luật Lacey tạo nên những thay đổi lớn liên quan đến việc nhập khẩu (NK) gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào thị trường Mỹ.

Phức tạp hơn...

Những thay đổi này đã bắt đầu có hiệu lực một phần từ năm 2009 và sẽ có hiệu lực toàn bộ vào năm 2011. Mục đích của những thay đổi này là nhằm hạn chế việc buôn bán và vận chuyển gỗ lậu trên thế giới. Đạo luật cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc xuất khẩu (XK) đồ gỗ từ các nước, nhất là các nước Đông Nam Á, khu vực có các nhà XK đồ gỗ lớn vào thị trường Mỹ. Trong suốt 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) và TRAFFIC (Tổ chức giám sát động vật hoang dã, công trình để bảo đảm thương mại không phải là mối đe dọa đến việc bảo tồn thiên nhiên) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức một loạt các hội thảo tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, để thảo luận các biện pháp chống buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp và giới thiệu về tác động của đạo luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ.

 Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 600 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt mặt hàng có đơn giá khá cao là ghế gỗ có bọc phủ có lượng xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh. Dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ năm 2010 tăng khoảng 18 - 22% so với năm 2009

Đạo luật Lacey là đạo luật đầu tiên nghiêm cấm NK, bán hoặc kinh doanh gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Các công ty NK lâm sản vào Hoa Kỳ sẽ phải yêu cầu các nhà cung cấp như các xưởng chế biến và nhà máy sản xuất tại các quốc gia châu Á phải hiểu rõ vai trò của họ trong việc bảo đảm tuân thủ các quy định pháp lý sửa đổi. Theo ông Jack Hurd, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên (TNC), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Mỹ, đạo luật này đã ra đời từ đầu thế kỷ XX và đã được sửa đổi nhiều lần. Lần sửa đổi gần đây nhất là vào tháng 6-2008. Theo quy định của các thay đổi này, giờ đây các nhà NK Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm bảo đảm các sản phẩm gỗ NK vào thị trường Mỹ có nguồn gốc gỗ rõ ràng và hợp pháp. 

Ông Jack Hurd diễn giải: “Trách nhiệm chính thuộc về nhà NK. Nói ví dụ một công ty Mỹ NK sản phẩm gỗ từ các nước khác thì công ty đó phải có trách nhiệm bảo đảm là không nhập các sản phẩm từ gỗ lậu. Anh sẽ phải đặt câu hỏi đối với người bán đồ cho anh. Lúc đó trách nhiệm lại chuyển sang người XK vì anh phải trả lời được câu hỏi từ người nhập sản phẩm”. Các hình phạt được đưa ra cho người phạm luật áp dụng đối với nhà NK, từ mức phạt hình sự đến dân sự tùy theo mức độ. Mức phạt tối đa là 500 ngàn đô la một doanh nghiệp, 250 ngàn đô la với cá nhân, hàng vi phạm bị tịch thu. Cũng theo ông Jack Hurd, thì “tại nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, từ nhiều năm nay đã quen với cách làm là chỉ lo giấy tờ chứng nhận hợp lệ là được miễn là giá cả hợp lý, nhưng với đạo luật Lacey, việc lo giấy tờ chứng minh không thôi không đủ mà phải chứng minh được nguồn gốc gỗ. Đây là quá trình phức tạp hơn rất nhiều”.

Không thể gian lận

Ông Chen Hin Keong, Phụ trách Chương trình Thương mại Lâm sản toàn cầu của TRAFFIC nêu vấn đề, trong thời gian qua, các DN Việt Nam khi XK vào Mỹ đã phải thực hiện việc khai báo nguồn gốc gỗ nguyên liệu trong sản phẩm, nhưng lộ trình mới chỉ yêu cầu các DN khai báo chứ chưa bắt buộc phải trình các giấy tờ liên quan. Chính vì vậy, nhiều DN tưởng là thực hiện Lacey rất đơn giản nên họ tha hồ “bịa” ra số liệu để khai báo. Thậm chí, các cơ quan chức năng ở Mỹ đã phát hiện ra rất nhiều những khai báo rất vô lý, phản khoa học. Chẳng hạn có giấy tờ do UBND một xã cấp để chứng minh cho nguồn gốc gỗ của một DN ghi là: khối lượng gỗ 2.500m3 được khai thác từ 7,5 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, trong khi, mỗi ha rừng không thể cho quá 70m3 gỗ. “Một DN có thể chỉ mua một ít gỗ hợp pháp, nhưng xin chính quyền địa phương ghi khống số lượng gỗ lên nhiều lần, để họ sẽ dễ dàng hợp pháp hóa những nguồn gỗ khác chưa có giấy tờ. Thực tế, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tại mỗi địa phương ở Việt Nam đều được các cơ quan chức năng trên thế giới nắm rõ. Sắp tới, mọi mắt xích trong chuỗi cung cấp sản phẩm đều sẽ được áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp để loại gỗ lậu ra khỏi thị trường trên toàn cầu. Mọi giấy tờ cấp không chính xác, mọi sự khai báo không đúng đều sẽ bị lật tẩy”. Đại diện TRAFFIC, khuyến cáo.Doanh nghiệp lớn thêm lợi thế

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng hiểu biết để ứng phó với đạo luật này của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là chưa sẵn sàng, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng. Đến nay, các bộ ngành liên quan vẫn chưa có ý kiến thống nhất về cơ quan Nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ nào sẽ chịu trách nhiệm cấp một số giấy chứng nhận cho DN xuất khẩu. Các DN chế biến gỗ chưa biết lấy tiền đâu mà triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu lấy gỗ cần 2 triệu USD thì mới triển khai được. Một khó khăn khác nữa mà DN Việt Nam sẽ gặp phải với đạo luật Lacey, theo ông Nguyễn Tôn Quyền là “hiện Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào để có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ giấy phép như yêu cầu. Ngành XK gỗ của Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài”. Trong lúc đó thì theo bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một trong các công ty XK gỗ lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, cho rằng những quy định mới có tạo ra các rào cản nhất định, chủ yếu là đối với các DN XK nhỏ. Nguyên nhân là vì lâu nay họ đã quen mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí gỗ lậu để bảo đảm giá cạnh tranh. Nay để đáp ứng được những quy định mới, họ sẽ phải thay đổi lại tập quán kinh doanh của mình. Điều này không dễ thực hiện một sớm một chiều. “Công ty biết rất rõ và công ty ý thức được việc này, từ năm 2002 công ty đã quản lý theo quy trình COC  (chain of custody), nghĩa  là truy  ngược lại nguồn gốc và từ năm đó công ty đã được chứng nhận của Tổ chức SCS về việc công ty tổ chức và đạt chứng nhận COC”. Hiện XK đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn rất mạnh, mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Năm 2009, Mỹ nhập của Việt Nam 1 tỷ USD. Mỹ cũng là thị trường XK gỗ lớn nhất của Việt Nam.

NGUYỄN CAO - THẢO VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên