Ý chí vươn lên của một phụ nữ dân tộc Khơ-me

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

Xuất thân trong một gia đình nghèo lại không được học hành đến nơi đến chốn, thế nhưng chị Lâm Thị Sậy, một phụ nữ dân tộc Khơ-me (ngụ tại ấp Tân Minh, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) lại biết tự thân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng chị Sậy từ chỗ không có gì đã tạo dựng được cuộc sống sung túc.

Nói đến xã Minh Thạnh, người ta nghĩ ngay địa bàn vùng xa của huyện Dầu Tiếng, nơi có khá đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Đa số những người dân ở Minh Thạnh đều lấy nghề nông làm kế sinh nhai, nên cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh. Tuy nhiên, bằng ý chí vươn để lên thoát nghèo, tạo lập cuộc sống ổn định, gia đình chị Lâm Thị Sậy đã làm được điều khó khăn tưởng chừng không thể.

Theo như lời tâm sự của chị, vào những năm 90, vợ chồng chị gặp nhau rồi đến với nhau “mà trong tay chẳng có cái gì!”. Gia đình hai bên nội, ngoại đều nghèo, nên không phụ giúp được gì cho vợ chồng chị. Trong hoàn cảnh đó, vợ chồng chị phải tự tìm kế sinh nhai. Ban đầu, vợ chồng chị khai phá nửa ha đất rừng để trồng khoai, trồng sắn và lúa rẫy kiếm cái ăn qua ngày. Thấy hiệu quả từ các loại cây trồng nói trên quá thấp, chị Sậy bàn với chồng trồng điều, nhưng cây điều cũng chẳng mang lại hiệu quả. Cuộc sống gia đình vì thế mà khó khăn chồng chất khó khăn. Đang lúc túng quẫn thì Nhà nước hỗ trợ vốn cho gia đình chị nuôi bò. Mua được con bò chưa kịp mừng thì con bò bị rắn cắn chết. Mất bò, vợ chồng chị Sậy càng hoang mang vì không biết lấy gì trả nợ Nhà nước!

Cuộc sống nghèo túng cứ thế dần trôi bởi suốt năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không khá lên nổi. Thế rồi, vợ chồng chị được chính quyền địa phương mời tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. “Qua cái lớp đó mới thấy mình sáng ra”, chị Sậy nói. Nắm được kỹ thuật trồng trọt, anh chị quyết định chuyển toàn bộ số diện tích trồng điều sang trồng cây cao su, nhưng cái khó là lấy đâu ra tiền vốn để đầu tư! Đang “nắng hạn thì gặp mưa rào”, được địa phương giới thiệu vay vốn, chị Sậy bàn với chồng vay vốn để đầu tư trồng cao su, đồng thời tận dụng lúc cao su còn nhỏ trồng xen các loại cây khác để “lấy ngắn nuôi dài”.

Ngày xuống giống cây cao su, vợ chồng chị Sậy quyết định trồng xen cây thuốc cá trong lô cao su của gia đình. Thật may, những năm đó cây thuốc cá có giá, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ cây thuốc cá được 40 triệu đồng. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi vườn cao su nửa ha của gia đình bắt đầu cho những chén mủ đầu tiên. Theo lời của chị Sậy, bình quân thu nhập từ mủ cao su của gia đình chị hiện vào khoảng 4 triệu đồng/tháng, chưa kể các nguồn thu nhập khác từ chăn nuôi và các loại cây trồng khác. Đây quả là nguồn thu nhập đáng kể của một hộ nông dân vùng xa như Minh Thạnh. Chị Sậy kết luận ngắn gọn: “Gia đình chị có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, sự quan tâm của chính quyền địa phương”.

Với chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tin chắc rằng không chỉ riêng gia đình chị Lâm Thị Sậy mà còn nhiều, rất nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số khác đều có thể vươn lên ổn định kinh tế gia đình nếu biết cố gắng vượt qua đói nghèo.

HOÀNG TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên