Ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước

Cập nhật: 29-11-2013 | 00:00:00

Hôm qua, 28-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với sự đồng thuận, nhất trí rất cao của 97,59% tổng số đại biểu QH. Quyết định lịch sử này đã thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân, ý chí và nguyện vọng của đại đa số đại biểu QH.

Ngay sau khi QH thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, cử tri và nhân dân cả nước đã gửi tới Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm thể hiện sự đồng thuận cao, cùng những đề xuất để góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp (sửa đổi), bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Sự kiện lịch sử trong hội nhập và phát triển

Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Quốc hội thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao. Đây là sự kiện có tính chất lịch sử đánh dấu thời kỳ đưa đất nước ta hội nhập và phát triển.

Tôi tâm đắc với những điểm mới nổi bật trong Hiến pháp lần này, đó là bổ sung Điều 4 quy định trách nhiệm của Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điểm nữa, về quyền con người, Hiến pháp quan tâm, chú trọng bảo vệ các quyền cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; thể hiện tính nhất quán về đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Trong giới hạn không gian cũng như thời gian, tôi không thể bộc lộ, thể hiện hết tấm lòng mình, nhưng xin khẳng định, bản Hiến pháp lần này đã phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

NGUYỄN MINH ĐẮC

(Khu phố 3, phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)

Ý chí của toàn dân

Tôi rất phấn khởi khi Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ phiếu thuận rất cao. Hiến pháp (sửa đổi) thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc, các thế hệ đi trước, quyết tâm xây dựng nước ta giàu mạnh, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc.

Tôi rất đồng tình với Điều 4 Hiến pháp: Từ tay không, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân; lãnh đạo toàn dân đánh thắng các đế quốc xâm lược; khởi xướng công cuộc đổi mới... tôi tin tưởng Đảng có đủ bản lĩnh lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, Nhà nước cần thống nhất quản lý theo hướng ổn định, lâu dài. Tôi đồng tình khi Hiến pháp quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia. Đề nghị các cấp chính quyền khi thu hồi đất của người dân phải công khai, minh bạch và bồi thường theo đúng pháp luật.

LÊ THỊ NHUNG

(Phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh)

Hiến pháp sửa đổi thể hiện tinh thần đổi mới

Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) sáng ngày 28-11, tôi thật sự xúc động trước sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội.

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: Bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết,tận tụy của Quốc hội và cử tri cả nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã thể hiện tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân.

Bản Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Nhân dân mong muốn phải thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Cần có cơ chế xử phạt nghiêm minh những cán bộ, đảng viên biến chất, suy thoái đạo đức; có cơ chế giám sát chặt choe cán bộ, đảng viên tại cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ phường, xã...

NGUYỄN THANH QUÝ

(Khối Tân Quang, phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An)

Ý nguyện của nhân dân

Với 486/488 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Đây chính là ý nguyện của nhân dân. Từ khi Dự thảo Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến, chúng tôi nghiên cứu, thảo luận, được các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc giải đáp từng câu từ, thể hiện rõ sự dân chủ, công khai đóng góp xây dựng đạo luật gốc của đất nước. Chúng tôi, những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Tân Trào lịch sử, Thủ đô Kháng chiến, càng hiểu hơn bao giờ hết đất nước này, sự nghiệp này, là của nhân dân Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta thoát khỏi kiếp lầm than nô lệ, giành chính quyền về tay nhân dân để có cuộc sống hôm nay.

Đảng là cuộc sống, là máu thịt của dân tộc ta, nhân dân ta, đường lối của Đảng là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp phát triển của đất nước (đã được chứng minh bằng các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng, đổi mới đất nước). Vì vậy, Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng được bổ sung, quy định trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

NGUYỄN LAN HƯƠNG

(Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang)

Làm sâu sắc hơn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc

Việc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) sau một thời gian lấy ý kiến của nhân dân cả nước cho thấy tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Điều tôi tâm đắc là từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, dù qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vẫn thể hiện nhất quán về thể chế chính trị, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất nước, dân tộc. Đặc biệt, tại Chương I, Điều 5 của bản Hiến pháp lần này, về bản chất không thay đổi, nhưng câu chữ, cách hành văn, ý nghĩa về sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc đã được thể hiện ngắn gọn, sâu sắc và rõ hơn rất nhiều.

Tại điểm 4, Điều 5 của Hiến pháp năm 1992, ghi: "Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số", nay được thể hiện lại: "Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước". Chúng tôi hiểu, phát triển toàn diện rộng hơn và tầm cao hơn, đồng thời, nêu rõ, Nhà nước tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy nội lực. Như vậy, bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã nhận thức đúng tiềm năng to lớn, khả năng trí tuệ và sức sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong sự phát triển chung của đất nước.

Với niềm tin tưởng, phấn khởi, tôi sẽ tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa chính trị và giá trị to lớn của bản Hiến pháp (sửa đổi); tiếp tục vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong ngôi nhà chung của dân tộc Việt Nam.

VÌ VĂN ỎM

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On, Yên Châu (Sơn La), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Đề cao và tôn trọng quyền con người

Hiến Pháp (sửa đổi) có nhiều ưu điểm hơn so với Hiến pháp năm 1992. Các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... được đề cập rất đầy đủ. Phần quy định về vị trí, vai trò của Đảng, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; chính quyền địa phương, chính quyền đô thị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cập rõ ràng... Qua Hiến pháp (sửa đổi) lần này, tôi nhận thấy, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, tôn trọng và quy định cụ thể, chặt choe hơn.

Quy định rõ ràng từng vấn đề trong Hiến pháp sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ giám sát việc thực hiện; tránh được tình trạng hiểu sai, dẫn đến hành động sai, gây thiệt hại đến người dân và xã hội.

Thiết nghĩ, Hiến pháp lần này được ban hành là kết tinh chất xám, trí tuệ và công sức của toàn Đảng và toàn dân ta tạo nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, nảy sinh trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.

Mong rằng, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương nhanh chóng mở đợt tuyên truyền rộng rãi, giúp cho các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp (sửa đổi), từ đó có cách tiếp cận, áp dụng và thực hiện một cách bài bản.

VĨ VĂN NHƠN

(Khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Hiến pháp thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

Tôi rất vui vì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua với tỷ lệ phiếu thuận rất cao. Càng vui hơn khi những đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước về việc thu hồi đất được Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình các đại biểu Quốc hội thông qua. Tôi rất đồng tình trong Hiến pháp nêu Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết theo luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định này giúp việc thu hồi đất sẽ rõ ràng, cụ thể hơn, hạn chế được việc thu hồi, sử dụng đất tràn lan vì nhiều mục đích khác nhau như thời gian qua, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài. Với quy định này, các quyền của người dân về đất đai được Nhà nước tôn trọng trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch. Nhân dân sẽ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất của mình.Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Điều này càng thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng và Nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

PHẠM HỮU THÀNH

(Phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Hiến pháp luôn đặt quyền công dân lên hàng đầu

Trong nhiều điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi) lần này, bản thân tôi tâm đắc chính là việc đề cao quyền con người, quyền công dân, được thể hiện bằng việc dành riêng một chương nói về vấn đề này. Số lượng các điều khoản về quyền con người, quyền công dân nhiều hơn, mở rộng hơn, cụ thể hơn, thể hiện sự kế thừa và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Điều này lại càng đặc biệt có ý nghĩa khi vừa qua, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, khóa 2014 - 2016 với số phiếu thuận cao (184/192 phiếu) đã minh chứng thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả có được từ các thành tựu về nhân quyền, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Qua đây cho thấy, dù các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn đen tối nhưng cũng không thể xuyên tạc sự thật đầy thuyết phục từ các thành tựu nhân quyền của Việt Nam trên thực tế. Đối với tỉnh Gia Lai, nơi tôi đang sống có đến 44% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, với 34 dân tộc anh em đang cùng sinh sống... Những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền luôn quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhờ vậy khối đại đoàn kết toàn dân luôn được củng cố vững chắc.

NGUYỄN TRẦN THÔNG

(Phường Ia Kring, TP Plây Cu, Gia Lai)

Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp

Trong bản Hiến pháp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tôi quan tâm Điều 9, quy định về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Những nội dung nêu trong điều này đã thể hiện một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi mong có những văn bản cụ thể hóa nội dung Hiến pháp, sát với đời sống thực tiễn, phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội. Thời gian qua, cuộc vận động vì người nghèo của MTTQ Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội. Song bên cạnh đó, tôi thấy vai trò giám sát và phản biện xã hội thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chưa thể hiện rõ nét.

Việc xây dựng các công trình cộng đồng, công trình hạ tầng xã hội, sử dụng đất trên địa bàn, các chương trình xây dựng nông thôn mới... có được đầu tư đúng hướng, đúng quy định không hiệu quả ra sao; các chính sách kinh tế, xã hội đã được triển khai đúng đối tượng chưa... Rất nhiều hoạt động cơ sở cần tiếng nói góp ý, phản biện của nhân dân.

MTTQ các cấp cần những cơ chế bảo đảm hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát.

ÂU THỊ DƯ

(Phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội)Theo Nhân Dân
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên