Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW:

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng nâng cao

Cập nhật: 12-02-2020 | 11:10:58

Xác định phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác PBGDPL được các ngành, các cấp trong tỉnh chú trọng. Bằng sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả nổi bật...


Phiên tòa giả định được tổ chức tại một trường học trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, hình thức tuyên truyền này đã thu hút nhiều học sinh tham gia

Công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng hiệu quả

15 năm qua, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Đáng chú ý là hình thức tuyên truyền trực tiếp. Đây là hình thức tuyên truyền được tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị áp dụng nhiều và rất có hiệu quả trong công tác PBGDPL, như thông qua hoạt động nghiệp vụ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức các cuộc họp, hội thảo hội nghị, xét xử lưu động, sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố (ấp), sinh hoạt cơ quan, tổ chức...

Theo số liệu báo cáo của các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong 15 năm qua đã tuyên truyền trực tiếp gần 600.000 cuộc với 35.946.720 lượt người dự; tổ chức 3.060 cuộc hội nghị, hội thảo với 84.000 người dự; 6.897 hội thi ở các cấp với 771.792 người tham dự.

Điển hình như công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được xác định là một kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp có hiệu quả, vừa góp phần xây dựng và giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân vừa giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Thông qua hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu nại tố cáo vượt cấp và các tranh chấp phải giải quyết ở tòa án các cấp; góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu ấp văn hóa. Tính đến tháng 8-2019, toàn tỉnh có 592 tổ hòa giải với 4.406 hòa giải viên. Trong 15 năm qua, các tổ hòa giải đã đưa ra hòa giải 41.499 vụ việc; hòa giải thành được 32.086 vụ việc đạt 77,3%. Số lượng vụ việc hòa giải hàng năm theo xu hướng giảm dần, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng bằng khen cho Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương về thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/ TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ra quyết định tặng bằng khen cho 27 tập thể và 33 cá nhân đã có thành tích 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Đặc biệt, từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 04/2010/CT-UBND ngày 22-12-2010 về thực hiện Ngày Pháp luật hàng tháng nhằm tạo thói quen học tập, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật. Theo đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc mô hình “Ngày Pháp luật” ngày 5 hàng tháng. Mô hình này đã và đang phát huy tác dụng, được các ngành đánh giá cao. Qua 9 năm thực hiện, các đơn vị, địa phương đã tổ chức được 54.135 buổi với hơn 1.396.971 lượt người tham dự.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.450 câu lạc bộ (CLB), hầu hết các CLB đều phát huy hiệu quả góp phần tuyên truyền ý thức pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình như CLB nông dân với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, thanh niên với pháp luật; CLB phòng chống tội phạm, CLB trợ giúp pháp lý, tổ trợ giúp pháp lý; tổ chức tư vấn pháp luật... Thông qua sinh hoạt, các CLB này đã lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền đến các thành viên.

Bên cạnh đó nhiều mô hình, cách làm mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật như trang thông tin điện tử, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tuyên truyền qua Zalo, Facebook... đã góp phần rất lớn cho việc tìm hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật trong nhân dân.

Ngoài ra, công tác in và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật cũng được quan tâm chú ý trong những năm gần đây: Các sở, ngành, địa phương biên soạn tài liệu dưới nhiều hình thức sinh động để cấp phát cho cán bộ, công chức và nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động qua giỏ pháp luật đặt ở các khu nhà trọ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ… Trong 15 năm, toàn tỉnh đã cấp phát được 19.132.587 bộ tài liệu, văn bản; băng rôn, khẩu hiệu, băng, đĩa có nội dung pháp luật.

Chỉ thị số 32-CT/TW đi vào cuộc sống

Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Hội đồng PBGDPL các cấp trong tỉnh luôn xác định nội dung trọng tâm cần PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn. Chẳng hạn như PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục pháp luật trong trường học, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, lồng ghép PBGDPL trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này và các hình thức PBGDPL khác. Việc đổi mới, áp dụng các hình thức, mô hình PBGDPL phù hợp, có hiệu quả”.

Có thể nói, sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên. Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao. Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức PBGDPL được thực hiện đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quảthiết thực. Nguồn lực tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL từng bước được bảo đảm. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm theo từng năm.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh, cho rằng: “Chỉ thị số 32-CT/TW và các văn bản ban hành kịp thời, đúng lúc, đáp ứng yêu cầu thực tế và mong muốn của cán bộ, nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng vừa có tính định hướng, vừa mang tính chỉ đạo cụ thể để các ngành, các cấp triển khai công tác PBGDPL, phân định rõ ràng về trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp trong công tác PBGDPL.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW, công tác PBGDPL có nhiều nét khởi sắc, thực chất và có hiệu quả. Cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị đã có sự quan tâm đến công tác PBGDPL. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đã có chuyển biến tích cực, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên được tăng cường về số lượng, chất lượng công tác được nâng lên. Thông qua các mô hình, nhận thức pháp luật, tính chủ động, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được tăng lên rõ rệt, mối quan hệ, tương tác giữa cán bộ làm công tác PBGDPL với người dân được tăng cường. Có thể nói, nhờ công tác PBGDPL, các chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, người dân thiện chí và đồng thuận, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, kinh tế - xã hội có bước phát triển”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên