“50 năm toàn thắng về ta”...

Thứ năm, ngày 17/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sáng qua (16-4), tại Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), Báo Quân đội nhân dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân 50 mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chủ đề “50 năm toàn thắng về ta”. Ở đó có biết câu chuyện được chia sẻ từ các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh đã xông pha nơi tuyến lửa để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Chiến thắng vĩ đại của dân tộc

Mở đầu cho chương trình giao lưu và tri ân, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, xúc động, nói: “Tôi xin được bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và vô cùng xúc động được chào đón, gặp mặt 50 đại biểu mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh (CCB) - những người đã trực tiếp chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ban Tổ chức tri ân các Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết bao người con ưu tú đã ngã xuống với ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những người lính tuổi đôi mươi rời quê hương, khoác ba lô vượt Trường Sơn ra trận. Những bà mẹ, người vợ, người em gái, người con ở hậu phương thầm lặng chịu đựng mất mát, hy sinh, tiễn chồng con ra tiền tuyến bằng tất cả tình yêu và niềm tin vào ngày toàn thắng.

Dù 50 năm đã trôi qua, những ký ức đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, là ngọn lửa truyền thống tiếp sức cho thế hệ hôm nay dựng xây đất nước hùng cường, phồn vinh. Vì vậy, chương trình diễn ra không chỉ là dịp tri ân, tôn vinh, mà còn là biểu tượng tinh thần mạnh mẽ, hun đúc ý chí vươn lên cho thế hệ hôm nay và mai sau, những người đang tiếp nối hành trình đưa Việt Nam phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập”.

“Chú cứ tông thẳng vào...”

Chương trình giao lưu đã tái hiện sống động những ký ức lịch sử qua lời kể từ những người lính năm xưa. Đây là những nhân chứng lịch sử, không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà còn có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời bình. Như câu chuyện kíp chiến đấu xe tăng 390 (thuộc biên chế Quân đoàn 2) húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975.

Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên chỉ huy xe tăng 390, nhớ lại: “Tôi nhớ khi thấy xe tăng 843 dừng lại ở cổng trái, anh Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào anh Toàn?”. Lúc ấy tôi không kịp suy nghĩ, trả lời dứt khoát: “Chú cứ tông thẳng vào”.

Ông Nguyễn Văn Tập, người cầm lái xe tăng 390 kể lại: Khi lời anh Toàn vừa dứt, tôi lập tức nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân. Và ông Tập cũng khẳng định trong suốt nhiều năm chiến đấu, ông đã trải qua nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, nhiều cung đường đáng nhớ. Thế nhưng, khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập chính là “khúc cua đẹp nhất” của đời ông.

Nhớ mãi bà má tham mưu

Trong buổi giao lưu, các đại biểu còn ấn tượng với câu chuyện “Bà má tham mưu” (tức má Huỳnh Thị Sáu ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, trong 60 năm đời binh nghiệp, ông tự hào được tham gia bốn chiến dịch lớn, gồm Mậu Thân 1968, đường 9 - Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972 và Mùa Xuân 1975. Trong đó, kỷ niệm sâu sắc nhất là cuộc hành quân thần tốc trong chiến dịch Mùa Xuân 1975.

Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: “Trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và những thông tin má Sáu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại”.

Ông kể: “Ngày 18-3-1975, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, tôi nhận lệnh hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà (Quảng Trị), làm dự bị cho giải phóng Huế - Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi vào tới Huế ngày 26-3, Huế đã được giải phóng. Ngày 29-3, tôi tới bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng được giải phóng. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, hành quân theo đường Trường Sơn, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trên đường hành quân tới đèo Ang Bun, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!” ký tên Anh Văn. Lệnh truyền xuống, anh em dù mệt cũng bừng lên khí thế, tiến vào Bình Phước, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.

Và đêm 29-4, đến Búng (cách Lái Thiêu, Thủ Dầu Một khoảng 10km), chúng tôi phát hiện một ngôi nhà có mái lá, đang được thắp sáng bằng ánh đèn dầu. Chúng tôi dự đoán đây có thể là một cơ sở cách mạng, tôi và đồng chí Chính ủy Trịnh Văn Thư cùng đội trinh sát tiếp cận, phát tín hiệu “Hồ Chí Minh ba lần”. Một lát sau, có bà má mở cánh cửa đáp lại 3 lần: “Muôn năm” đúng mật khẩu của mặt trận. Tôi cho tổ trinh sát bố trí bảo vệ vòng ngoài, tôi và anh Trịnh Minh Thư, Chính ủy Trung đoàn vào nhà. Trong nhà được bày một cái bàn đơn sơ, trên bàn có một chiếc đèn dầu đang được thắp sáng, lúc đó có em Phước và em Đức con má ngồi bên má. Tôi thưa má: Con là chỉ huy quân giải phóng, chúng con có nhiệm vụ theo trục đường 13, ngày mai 30-4 đánh qua Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình, và đánh chiếm Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp của địch ở Gò Vấp. Nếu má có thông tin thì giúp chúng con. Tôi đưa bản đồ chỉ huy cho má nhìn, lúc đó má đeo một kính trắng, má xem và nói: Má không rành bản đồ này. Má vào trong buồng lấy ra một tấm bản đồ đô thành Sài Gòn, đã ghi các điểm địch phòng thủ...”.

“Trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và những thông tin má Sáu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động nói.

Chương trình giao lưu khép lại với biết bao câu chuyện kể. Trong đó, mỗi tấm gương của anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ… là một biểu tượng, một khúc ca tự hào trong bản anh hùng ca vẻ vang của dân tộc Việt Nam. 

THU THẢO