“Đòn bẩy” đưa Bình Dương cất cánh

Thứ tư, ngày 23/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

50 năm sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gần 30 năm xây dựng và phát triển, với nhiều mô hình theo từng giai đoạn, Bình Dương nhìn nhận việc lựa chọn phương hướng phát triển khu công nghiệp tập trung trong giai đoạn trước là một lựa chọn sáng tạo và đúng đắn. Các khu công nghiệp đã góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh “không có tên tuổi” trên bản đồ kinh tế của cả nước trở thành một đô thị - công nghiệp phát triển, là một trong những hình mẫu phát triển trong tiến trình đổi mới của đất nước.

Thành quả của sự phát triển

Từng là chiến trường bom đạn khốc liệt năm xưa, vùng “Tam giác sắt” Bến Cát hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, một thành phố trẻ trung, năng động và là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh. Có được thành quả này là nhờ Bến Cát đã xây dựng các khu công nghiệp (KCN) làm yếu tố đột phá để phát triển công nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Ân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, cho biết sau khi thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của Tỉnh ủy thì kinh tế của Bến Cát mới thực sự khởi sắc và “cất cánh”. Đến nay, trên địa bàn thành phố có các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, Thới Hòa, Protrade, Việt Hương 2, Rạch Bắp… Các KCN này đã giúp Bến Cát thu hút hơn 8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Chính các KCN đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa cuộc sống người dân lên tầm cao mới.

Thành công của các khu công nghiệp đang góp phần tạo nên một Bình Dương năng động và phát triển. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP - Khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước

Không chỉ TP.Bến Cát, chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Hàng loạt KCN, cụm công nghiệp với quy mô lớn, hiện đại đang được quy hoạch và xây dựng tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng góp phần tạo bộ mặt đô thịkhác biệt cho các địa phương nơi đây.

Năm 1995, chính sách công nghiệp của Bình Dương mới có bước đột phá khi Khu công nghiệp Sóng Thần được thành lập. Kể từ đó, phát triển công nghiệp là mũi đột phá được Bình Dương kiên trì theo đuổi xuyên suốt các thời kỳ. Trong đó, Bình Dương chủ trương ưu tiên phát triển khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, từ KCN truyền thống, các thế hệ KCN đã lần lượt xuất hiện ở Bình Dương. Cụthể, năm 1997 Bình Dương phát triển các KCN truyền thống, đến năm 2002 chuyển đổi sang mô hình KCN kết hợp đô thị, dịch vụ, năm 2022 chuyển dần sang KCN xanh kiểu mẫu, hướng đến KCN khoa học và công nghệ. Để phát triển công nghiệp bền vững, tạo bước đột phá hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trịgia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo”, trong đó đã triển khai xây dựng KCN khoa học và công nghệ ở huyện Bàu Bàng. Theo đề án, trong giai đoạn mới Bình Dương định vịmột phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Như vậy, chính Bình Dương chọn mô hình KCN để rồi sản sinh thêm các thế hệ KCN khác…”, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cho biết.

Bộ mặt của Bình Dương hôm nay đã thật sự thay đổi. Xung quanh các KCN trên địa bàn tỉnh cả một hệ sinh thái đô thịhình thành để phục vụcho đời sống cư dân của vùng công nghiệp. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay có hơn 84% dân số của Bình Dương sinh sống tại thành thị, tỷ lệ cao hàng đầu cả nước. Đặc biệt, từ Bình Dương, mô hình KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), sau gần 30 năm đi vào hoạt động đến nay đã lan tỏa rộng ra cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. VSIP đã trở thành hình mẫu về phát triển KCN tập trung cả ở trong và ngoài nước. Tính hiệu quả và sức lan tỏa rộng của thương hiệu VSIP còn là một minh chứng sinh động cho một Bình Dương năng động, đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững.

Vững tin trên con đường phát triển

Hiện các KCN trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 94%, Bình Dương đang trở thành một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các KCN. Hiện có nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư, thời gian tới Bình Dương sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, đồng thời quy hoạch các KCN mới hướng đến hiện đại, sinh thái.

Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết để thích ứng với bối cảnh mới Bình Dương đang xây dựng phát triển các KCN theo hướng chuyên sâu hơn để thu hút dự án đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Bình Dương sẽ tập trung phát triển các KCN mới theo hướng sinh thái, công nghệ cao và chuyên ngành. Do đó, đối với các KCN mới thành lập, bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 10 KCN mới tại Bình Dương. Trong đó, 2 KCN tại huyện Bắc Tân Uyên và TP.Tân Uyên sẽ được đầu tư trong năm 2025, với tổng diện tích 1.000 ha. 8 KCN còn lại tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo được đầu tư đến cuối năm 2030, với tổng diện tích trên 6.000 ha. Với kinh nghiệm triển khai xây dựng hạ tầng KCN và phát triển công nghiệp bền vững, Bình Dương đang điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh. Theo đó, các KCN sẽ phát triển theo mô hình gắn kết với các vành đai giao thông để thuận tiện cho vận tải và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ cho Bình Dương mà còn cho toàn vùng Đông Nam bộ.

Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định với những hướng đi đổi mới, sáng tạo, Bình Dương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thành công của các KCN đang góp phần tạo nên một Bình Dương năng động và phát triển. Trong thời gian tới, Bình Dương cần tiếp tục xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vươn lên.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định thành công của các KCN đang góp phần tạo nên một Bình Dương năng động và phát triển. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụnhân dân, phục vụđất nước. Bình Dương cũng đang chuẩn bịthật tốt các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Chủ trương xây dựng khu công nghiệp tạo động lực phát triển là tư duy đổi mới đúng đắn, kịp thời của Bình Dương. Chính sự ra đời của các khu công nghiệp đã đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển, tạo tiền đề cho thương mại - dịch vụ và đô thị cùng phát triển. Các khu công nghiệp của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

NGỌC THANH - THANH TUYỀN