(BDO) Những ngày qua, tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề hệ trọng, cấp bách của đất nước, trong đó có Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Để Nghị quyết 57-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, dự thảo Nghị quyết thí điểm được Quốc hội bàn thảo chính là nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ tài chính, ngân sách Nhà nước đến hoạt động của tổ chức, nhân lực, công tác đấu thầu… Từ đó, “mở lối” về cơ chế, có chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho các cấp, ngành, địa phương.
Có thể nói, Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời đã tạo ra một luồng sinh khí mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương. Qua đó, kịp thời chỉ đạo từng cấp, từng ngành của tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động với những nhiệm vụ cụ thể. Mới đây, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp liên quan căn cứ một số mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương để đề ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 cùng với những chương trình đột phá của tỉnh theo tinh thần đổi mới sáng tạo. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu xúc tiến thành lập ngay Hội đồng tư vấn cấp tỉnh; dành nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ…
Từ lâu, tỉnh cũng đã xác định phát triển khoa học, công nghệ vàchuyển đổi số luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển. Vì vậy, trước đó, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch liên quan, trong đó có Đề án Vùng Khoa học công nghệ tích hợp hệ sinh thái đổi mới hoàn thiện; chủ động phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ… Qua đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hệ thống giáo dục đào tạo... Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khi được Quốc hội thông qua sẽ gỡ được “điểm nghẽn” trong lĩnh vực này. Đây cũng chính là cơ hội, động lực để Bình Dương bứt phá trên nền tảng đã được xây dựng trong thời gian qua, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
K.TÂN