20 năm đô thị hóa tỉnh Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn - Kỳ 3

Cập nhật: 20-01-2016 | 08:11:22

Kỳ 3: Đô thị hóa và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống

 Theo các chuyên gia, nhiều thành phố, quốc gia phát triển trên thế giới đã phải trả giá khá đắt đối với các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị. Với tỉnh Bình Dương, quan điểm nhất quán vẫn là phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường trong quá trình đô thị hóa.

 Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất phát từ đặc điểm địa hình của tỉnh nhà, Bình Dương có thể vận dụng mô hình chùm, chuỗi và điểm để quy hoạch phát triển đô thị. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: XUÂN THI

 Chủ động phát triển đô thị bền vững

Với địa hình vùng đất cao, Bình Dương có lợi thế quan trọng để phát triển đô thị bền vững. Trong khi đó, nhiều khu vực đô thị thuộc TP.Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long đang nằm trong danh sách những vùng đất có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới khi nước biển dâng cao.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Boong, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh, xuất phát từ đặc điểm địa hình của tỉnh nhà, Bình Dương có thể vận dụng mô hình chùm, chuỗi và điểm quy hoạch để phát triển đô thị; đồng thời chú ý công nghiệp hóa nông thôn để một bộ phận nông dân “ly nông nhưng không ly hương”. Trong quá trình thiết kế và xây dựng đô thị, Bình Dương phải thật sự quan tâm tới môi trường tự nhiên, tạo sự cân bằng hài hòa giữa con người - xã hội với tự nhiên.

Tiến sĩ khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Hà Nội) cho rằng để đối phó với mực nước biển dâng cao tại Bình Dương, các khu đô thị mới nên xây dựng trên nền đất cao; những khu đô thị hiện hữu ở vùng đất thấp nên phát triển theo các giải pháp quy hoạch, kiến trúc phù hợp như: Mật độ xây dựng thấp; tổ chức không gian dành cho nước lưu thông và ưu tiên dành không gian có nền đất cao cho các chức năng quan trọng của đô thị... Nếu nguy cơ nước biển dâng cao, Bình Dương có tiềm năng trở thành nơi thu hút tái định cư cho người dân vùng bị ngập trong vùng TP.Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bình Dương cần quan tâm nhiều đến các không gian nước, ngoài không gian giao thông, công trình công cộng để hướng mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Các không gian xanh kết hợp với khu đô thị, làng nghề dọc theo bờ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cần được kết nối với nhau hiệu quả để tạo nên các tuyến đô thị bản sắc sông nước Nam bộ cho Bình Dương.

Ngoài ra, để bảo vệ môi trường sống Bình Dương cũng nên chú ý một số vấn đề quan trọng như: phải có diện tích xanh tối thiểu cho các loại đất; dự án muốn xin cấp phép xây dựng phải đạt tiêu chuẩn cao hơn của Bộ Xây dựng và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế…

Xanh hóa công nghiệp

Theo các nhà chuyên môn, bài học về dân số quá tải, ùn tắc giao thông, nạn ngập úng diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội; ô nhiễm môi trường tại New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc); ùn tắc giao thông tại Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia)... đáng được Bình Dương rút tỉa trong quá trình đô thị hóa. Bởi dân số và mật độ dân số là mẫu số chung của tất cả vấn đề phát triển đô thị - nói cách khác, bất cứ vấn để gì của đô thị đều có mối quan hệ mật thiết với dân số và mật độ dân cư.

Các chuyên gia cho rằng, đô thị hóa và công nghiệp hóa là hai quá trình cùng song song đồng hành; sự phát triển của công nghiệp kéo theo sự ra đời của các khu đô thị. Bình Dương không nằm ngoài quy luật đó. Trong những năm qua, với sự hiện diện của hàng ngàn doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhưng Bình Dương đã kiểm soát và bảo vệ môi trường tương đối tốt. Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng của các khu công nghiệp trong thời gian tới, cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng, Bình Dương cần có tầm nhìn về vần đề bảo vệ môi trường sống từ nay cho đến năm 2030.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Boong, Bình Dương nên chú trọng phát triển nền công nghiệp hiện đại và kinh tế tri thức. Trước mắt, tỉnh cần đẩy mạnh công nghệ kỹ thuật cao để giảm bớt khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế thải khí độc hại vào môi trường tự nhiên. Cùng với đó, công nghệ tái tạo chất thải trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phải có mô hình lý tưởng hình thành chuỗi sản xuất mà sản phẩm phế liệu của nhà máy này sẽ là nguyên liệu cho nhà máy khác; đồng thời hạn chế chất thải ra môi trường và hệ sinh thái chấp nhận được.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông thôn, Bình Dương cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, lai tạo các giống cây, xen canh, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học. Bình Dương cũng cần tận dụng tài nguyên để tăng thu, giảm chi tạo môi trường sống trong lành cho mọi người...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy, trường Chính trị tỉnh Bình Dương, cho rằng tỉnh nhà nên tiến hành rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch phát triển công nghiệp và dịch vụ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề cấp phép đầu tư nhằm hạn chế việc gia tăng dân số và đô thị hóa tập trung vào một điểm, vì như thế dẫn đến hạ tầng kỹ thuật không đủ khả năng đáp ứng. Đây là cách nhằm tránh gia tăng dân số cơ học không thể kiểm soát như đã xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Phát huy lợi thế đi sau

Những bài học nhãn tiền từ các thành phố lớn trong và ngoài nước sẽ giúp ích rất nhiều cho Bình Dương trong việc định hướng quy hoạch và phát triển đô thị trong giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đối chiếu so sánh mức độ ô nhiễm môi trường tại TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bình Dương cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường được người dân đánh giá tại TP.Hồ Chí Minh là khá nghiêm trọng với tỷ lệ 42,8%, tại Cần Thơ là 33% và Bình Dương là 26,1%. Sự đánh giá của người dân tuy có thể chưa chính xác nhưng qua đó cũng cho thấy, nhờ lợi thế đi sau Bình Dương đã tránh được rất nhiều tác động đến môi trường trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Lợi thế này cần được phát huy nhiều hơn trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyễn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết Bình Dương xuất phát sau, có lẽ đã nhận ra điều này nên trong quy hoạch phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã thể hiện sự định hướng rõ nét là phát triển chùm đô thị tập trung ở phía nam, đô thị vệ tinh ở phía bắc của tỉnh; phát triển đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tập trung theo dọc các con sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính. Như vậy, Bình Dương đã quy hoạch từng vùng cho từng loại đô thị làm cơ sở cho quy hoạch chi tiết từng đô thị phù hợp với tính chất, chức năng khác nhau hướng đến mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, môi trường sống lành mạnh.

Còn theo nghiên cứu của trường Đại học Việt Đức, Bình Dương cũng có thể xây dựng thành phố thông minh từ thành công của các thành phố của Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản… Các yếu tố hội thành thành phố thông minh gồm: cuộc sống thông minh, cư dân thông minh, đi lại thông minh, nền kinh tế thông minh, quản lý đô thị thông minh và hơn hết là môi trường thông minh. Cơ sở của sự thông minh chính là công nghệ thông tin và truyền thông giúp cho tất cả lĩnh vực để vận hành hệ thống hạ tầng, cung cấp tiện ích, dịch vụ đô thị và bảo vệ môi trường an toàn cho cộng đồng. Từ đó giúp cho kinh tế đô thị tăng trưởng và phát triển một cách bền vững, lâu dài.

 Kỳ cuối: Công nghiệp hóa, đô thị hóa trong chiến lược phát triển của Bình Dương

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên