50 năm thống nhất đất nước - Ngày 19-4-1975: Giải phóng tỉnh Bình Thuận

Thứ bảy, ngày 19/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sau khi bàn giao địa bàn cho chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương Bình Thuận, đội hình tiến công của Quân đoàn 2 ào ạt đánh qua tỉnh Bình Tuy, thần tốc tiến vào Long Khánh.

Quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc. (Ảnh: TTXVN)
Quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc

Sáng 19-4-1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản thị xã Phan Thiết. Đến 13 giờ cùng ngày, tỉnh Bình Thuận hoàn toàn được giải phóng.

Quân ta đã diệt và đánh tan 8 Tiểu đoàn bảo an và biệt động quân, 18 Đại đội và 136 Trung đội bảo an, dân vệ; thu 16 khẩu pháo, 4 máy bay trực thăng, toàn bộ xe quân sự và kho tàng; đập tan toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Hơn 14.000 binh lính, sỹ quan quân đội ngụy Sài Gòn ra trình diện, giao nộp vũ khí.

Sau khi bàn giao địa bàn cho chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương Bình Thuận, đội hình tiến công của Quân đoàn 2 ào ạt đánh qua tỉnh Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận), thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 đánh chiếm Xuân Lộc.

Tại Xuân Lộc, các trận chiến diễn ra ác liệt. Sư đoàn 341 đã chiếm được khu cố vấn Mỹ, trung tâm thông tin, ty cảnh sát, khách sạn, bến xe…; đập tan phản kích của 3 Tiểu đoàn địch, giữ vững các vị trí đã chiếm. Sư đoàn 7 tiến công ở hướng phía Đông thị xã. Quân ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, căn nhà, góc phố.

Quân địch điều Lữ đoàn 1 dù, Trung đoàn 8 bộ binh, Liên đoàn 2 biệt động quân và 8 Tiểu đoàn pháo binh cùng 2 Chiến đoàn xe tăng, xe bọc thép lên tăng cường. Địch huy động máy bay đánh phá dữ dội. Thậm chí có nơi, chúng dùng bom CBU-55 có sức sát thương lớn, gây cho ta thiệt hại đáng kể.

Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn 4 quyết định chuyển cách đánh: tập trung đánh các đơn vị đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt Đường 2 đi Bà Rịa.

Pháo binh của Quân đoàn 4 bắn dữ dội vào Trung đoàn 43, 48 (Sư đoàn 18) và Lữ đoàn 1 dù của địch, chi viện cho bộ binh diệt từng bộ phận quân địch ra cứu nguy cho đồng bọn. Pháo cơ giới và pháo mang vác của Đoàn 113 đặc công miền liên tục đánh phá sân bay Biên Hòa.

Cùng ngày, Sư đoàn 6 Quân khu 7, Trung đoàn 95 đánh chiếm chi khu Túc Trưng, Kiên Tân, diệt Trung đoàn 52, đánh lui Lữ đoàn 3 kỵ binh ngụy, chiếm ngã ba Dầu Giây. Đường 1 từ Biên Hòa đi Xuân Lộc bị cắt đứt. Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập.

Cũng trong ngày 19-4-1975, Sư đoàn ôtô 571 Bộ Tư lệnh Trường Sơn, với hơn 1.000 xe vượt qua chặng đường 1.200km đường rừng núi, đưa toàn bộ đội hình Quân đoàn 1 tới vị trí tập kết ở Đồng Xoài vừa an toàn vừa vượt thời gian quy định 6 ngày.

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh sơ bộ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị cho không quân tham gia chiến dịch. Nhận nhiệm vụ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng bàn bạc và quyết định dùng máy bay thu được của địch và giao cho Bộ Tư lệnh không quân chiến đấu tổ chức thực hiện.

Tại Sài Gòn, các tướng và sỹ quan quân đội ngụy Sài Gòn cùng các nhóm đối lập kiên quyết đòi Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Matin điện khẩn về Mỹ báo cáo: “Các đơn vị quân Bắc Việt Nam đang cùng một lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn rộng lớn từ mọi hướng, với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng Chính phủ (Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây và cô lập thành phố trong vòng 1 hay 2 tuần nữa. Quân Bắc Việt Nam có khả năng hầu như ngay tức khắc loại trừ những lực lượng tăng cường của Chính phủ”./.

Theo TTXVN