50 năm vang mãi bản hùng ca - Bài 6

Cập nhật: 19-01-2018 | 08:52:47

Bài 6: Đất Sông Bé bùng lên ngọn lửa cách mạng

Hòa chung trong khí thế quân dân miền Nam sẵn sàng vào trận, tại Sông Bé - Bình Dương công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 càng khẩn trương. Các đơn vị lực lượng vũ trang Phân khu 5, các huyện thị, du kích xã nhanh chóng bổ sung quân số, tăng cường các mũi đấu tranh chính trị và binh vận… Tất cả đều chạy đua với thời gian dù ngày “N” của cuộc tổng tiến công, mục tiêu tấn công vẫn còn là một ẩn số, được giữ bí mật tuyệt đối với tất cả các lực lượng vũ trang trước 48 giờ nổ súng.

 Tổ chức lại chiến trường

Sau thất bại của hai cuộc tấn công mùa khô trên chiến trường miền Nam, Mỹ mất dần quyền chủ động, phải chuyển dần từ phản công sang thế phòng ngự chiến lược, đối phó với các hoạt động của ta trên khắp các chiến trường.

Tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định” bằng tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Các mục tiêu chiến lược của cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa được Trung ương xác định là: Tập trung lực lượng tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các mục tiêu chính trị và quân sự của chúng. Trên cơ sở đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Mục tiêu phải đạt được trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

 Lực lượng vũ trang của ta tiến về đồng bằng trong Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, từ tháng 10-1967, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định tổ chức lại chiến trường: Giải thể Quân khu miền Đông, lấy Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, tổ chức chiến trường thành 5 phân khu (1,2,3,4,5) trọng điểm, hình thành năm mũi tiến công vào các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam. Mỗi phân khu đều thành lập Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh phân khu. Theo tổ chức mới, Phân khu 5 ở hướng bắc Sài Gòn bao gồm các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành (bao gồm các xã Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Thới Hòa, Tân Định, Tân An, Tương Bình Hiệp của huyện Bến Cát giao về Châu Thành), TX.Thủ Dầu Một, Lái Thiêu và Dĩ An, bắc Thủ Đức (Sài Gòn - Gia Định). Phân khu 1 gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp (Gia Định), Bến Cát, Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một), Trảng Bàng (Tây Ninh).

Căn cứ vào tổ chức chiến trường, Trung ương Cục quyết định thành lập ban chấp hành các phân khu ủy thay cho các tỉnh ủy; bộ phận chỉ huy phân khu thay cho ban chỉ huy quân sự các tỉnh, thành. Phân khu ủy Phân khu 5 do đồng chí Hoàng Minh Đạo (Năm Thu), làm Bí thư kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang; đồng chí Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, làm Phó Bí thư Thường trực. Sau khi thành lập phân khu, các cơ quan của tỉnh Thủ Dầu Một (trở thành cơ quan của Phân khu 5) từ căn cứ Long Nguyên - Bến Cát về Chiến khu Đ. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Phân khu chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện thị, các đơn vị lực lượng vũ trang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Rừng chiến khu Đ “chuyển động”

Đến cuối năm 1967 trên địa bàn Phân khu 5, ta có vùng giải phóng các xã bắc Châu Thành và một vùng rộng lớn chiến khu Đ với khoảng 1.500 dân. Thực lực lực lượng ở cơ sở phần lớn các xã có chi bộ, du kích và đoàn thể quần chúng. Các ban chỉ huy quân sự huyện đều được tăng cường và củng cố, cán bộ trung đội, đại đội và tiểu đoàn đều xếp bộ 4 và bộ 5. Lực lượng vũ trang phân khu có Trung đoàn Đồng Nai, gồm 4 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 1, phiên hiệu K1 (tiền thân là Tiểu đoàn 800b của Quân khu miền Đông đưa về); Tiểu đoàn 2, là Tiểu đoàn tân binh từ miền Bắc mới vào được bổ sung tăng cường cán bộ tại chỗ…

Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các lực lượng vũ trang đất Sông Bé - Bình Dương ở các căn cứ nêu cao quyết tâm chiến đấu. Rừng chiến khu Đ rùng rùng chuyển động. Muôn người như một sẵn sàng đợi lệnh.

Cùng với các đội thanh niên xung phong, dân công, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhân viên các cơ quan ở các chiến khu, đơn vị hậu cần ngày đêm bí mật chuyển hàng từ các nơi về căn cứ, từ các kho hậu cần phía sau xuống các vị trí tập kết. Trên mỗi hướng, hệ thống kho tàng, đường hành lang vận tải ngang dọc, phía sau ra phía trước đều có cơ sở hậu cần khu vực và hậu cần nhân dân (thu mua trong dân và nhờ nhân dân cất giấu). Trên địa bàn Phân khu 5, ta đã có 1.500 tấn lương thực, 750 tấn vũ khí đạn dược được bố trí tại các kho ở Chiến khu Đ và cất giấu rải rác trong dân. Riêng ngành quân giới từ xưởng của phân khu đến xưởng của các huyện và tổ sản xuất vũ khí của các xã vẫn bám trụ sản xuất phục vụ cho lực lượng vũ trang phân khu chiến đấu đánh địch cả ở phía trước và bảo vệ căn cứ phía sau. Chỉ trong vòng 10 ngày thi đua cuối tháng 12-1967, xưởng quân giới phân khu làm việc không nghỉ ngơi suốt ngày đêm, sản xuất được hơn 1.000 trái lựu đạn, thủ pháo, mìn ĐH 10, ĐH 8, bảo đảm an toàn và tổ chức vận chuyển từ chiến khu xuống gấp các kho đạn kịp đưa ra phía trước cho các đơn vị chiến đấu.

Tính đến đầu tháng 1-1968, mọi công tác chuẩn bị của lực lượng vũ trang Phân khu 5 trên các hướng cơ bản đã hoàn thành. Mặc dù, tương quan lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường Phân khu 5, địch chiếm ưu thế hoàn toàn về binh lực, hỏa lực và phương tiện chiến tranh với một hệ thống bố phòng có thể chi viện cho nhau cả về hỏa lực, binh lực khi cần thiết. Nhưng sự hơn hẳn của ta trước quân thù đó là ý chí quyết tâm, ai ai cũng phơi phới một niềm tin chiến thắng bước vào chiến dịch. Đất trời Sông Bé những ngày năm ấy sục sôi lửa cách mạng. Quân đi trùng trùng như sóng trào thác lũ quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất non sông. (Còn tiếp)

 

 Người cán bộ binh vận

Ông Đặng Văn Hai (ảnh) là cán bộ binh vận hoạt động chống Mỹ từ năm 1960 cho đến ngày 30- 4-1975 tại Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên với bí danh Kỳ Đông. Trong những năm chiến tranh, tổ chức binh vận, trí vận của ông Hai đã vận động được rất nhiều người đưa vào rừng đào tạo và đưa trở về làm nòng cốt, hoạt động trong lòng địch, thiết lập các cơ sở mà sau này đã phát huy rất hiệu quả khi chiến dịch Mậu Thân 1968 diễn ra. Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Hai vẫn không quên được những ký ức của những ngày quân dân xuống đường trên toàn miền Nam với khí thế cách mạng sục sôi, tinh thần ngút trời, quần chúng nhân dân vô cùng phấn khởi đón các đoàn quân từ các chiến khu trở về giải phóng miền Nam. Ông kể lại: Những ngày trước Mậu Thân ông được tổ chức giao thâm nhập vào căn cứ địch hoạt động nắm bắt tình hình, vẽ sơ đồ căn cứ đóng quân, cung cấp các thông tin, quân số, sắc lính và các hoạt động ngày đêm của địch, kịp thời báo cáo cấp trên. Khi chiến dịch xảy ra, ông Hai cùng các đồng đội trong ban công tác binh vận đã tuyên truyền giác ngộ binh sĩ ngụy quay súng trở về với Tổ quốc.

 NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1115
Quay lên trên