Từ 0 giờ sáng nay (1-3-2010), việc tăng giá điện bắt đầu chính thức có hiệu lực, cụ thể giá điện bình quân là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8%. Trước đó không lâu, giá xăng cũng rục rịch tăng 590 đồng/lít... đã làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc giá điện, giá xăng dầu tăng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá cả của hàng nội đối với hàng nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, da giày, thực phẩm... Còn người dân thì phải tính toán chi li trong bữa ăn hàng ngày cũng như trong mua sắm các phương tiện sinh hoạt gia đình.
Trong khi Bộ Công Thương giải thích, việc tăng giá điện là bất khả kháng. Nguyên nhân phải tăng giá điện là do tỷ giá ngoại tệ tăng từ 17.000 đồng/USD (thời điểm tính giá điện năm 2009) lên đến 18.470 đồng/USD vào tháng 12-2009, đã làm tăng chi phí sản xuất và mua điện gần 800 tỷ đồng. Giá khí Cửu Long tăng 22% từ 1-6-2009, làm tăng chi phí mua điện năm 2009 thêm 95 tỷ đồng... Cùng với nhiều yếu tố khác, Bộ Công Thương cũng nêu lý do là mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng từ 650.000 đồng lên mức 730.000 đồng từ tháng 5-2010...
Biết rằng, việc tăng giá điện, xăng dầu hay bất kỳ giá các mặt hàng nào khác cũng nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế thị trường đúng theo quy luật tất yếu của nó. Tuy nhiên, điều quan trọng là lựa chọn thời điểm tốt để tăng hay giảm giá sao cho ít ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mới là nghệ thuật điều hành kinh tế.
Trong bối cảnh còn lạm phát, giá cả tiêu dùng cao, giá điện, xăng và nước cùng tăng, bộ phận người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với chuẩn nghèo mà Nhà nước đã quy định, mỗi tháng số tiền phải chi trả cho sinh hoạt phí của người nghèo đã chiếm nhiều hơn và với mức lương của công nhân thì lấy đâu có dư để thoát nghèo?
Bình thường hai vợ chồng đi làm công nhân ở nhà trọ với mức lương chưa tới 2 triệu đồng/tháng, không dám dùng tủ lạnh, ủi đồ cũng hạn chế, chỉ xài một máy quạt, một bóng đèn tuýp, một nồi cơm điện, một chiếc tivi mà mỗi tháng đã hết ngót nghét 100.000 đồng tiền điện. Bây giờ tăng thêm 1.000 đồng/kWh thì ước mơ dành dụm để xây dựng tổ ấm nhỏ càng trở nên xa vời. Đó là chưa kể đến những chi phí khác.
Trong cuộc sống thời... tăng giá, đa số người dân, nhất là dân nghèo luôn quan tâm đến vấn đề giá cả. Từ một mớ rau xanh đến cả mua sắm vật dụng khác để sinh hoạt gia đình đều phải suy tính và thắt lưng buộc bụng khi mua. Trong khi đó, cùng một lúc Chính phủ biết bao nhiêu việc mang tầm vĩ mô phải tính toán, phải làm. Thế nhưng dù thế nào đi chăng nữa, vấn đề quản lý giá cả hàng ngày cũng rất quan trọng. Chúng ta cần linh động điều hành uyển chuyển sao cho vừa bảo đảm được quyền lợi chính đáng hàng ngày của người dân, lại vừa phải có quyết sách cho những vấn đề cơ bản lâu dài. Trước mắt, nhiệm vụ đặt ra đối với các địa phương, các ngành đó là công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh, bởi nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc điều chỉnh giá để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi. Điều đó ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.
MAI HÂN