Có lẽ đã một thời gian khá dài, chúng ta quên lưu ý đến chuyện an ninh ở học đường, nhất là đối với các trường thuộc khối giáo dục mầm non, tiểu học bởi chưa thấy hiện tượng bất ổn xảy ra, mà nếu có xảy ra chăng thì nó chỉ diễn ra bên ngoài cổng trường. Chỉ đến khi gần đây có 2 vụ việc xảy ra gây chấn động dư luận là chuyện một học sinh (HS) lớp 3 ở thành phố Cần Thơ bị người lạ lẻn vào trường chở ra ngoài để trấn lột nữ trang và một kẻ lạ mặt nghi là bị bệnh tâm thần xông vào trường Mầm Non 10A (quận Tân Bình, TP.HCM) khống chế 2 HS… thì có lẽ không chỉ các bậc phụ huynh (PH) HS, ngành giáo dục và đào tạo mà cả các địa phương cũng giật mình lo lắng .!
Thực tế đúng như vậy, không chỉ ở các địa phương khác mà trên địa bàn tỉnh ta nhiều trường mầm non, tiểu học cũng chưa chú ý đến vấn đề bảo đảm an ninh trường học. Điều này rất dễ nhận ra, nếu chịu khó để vài buổi đi quan sát tại một số trường vào giờ PHHS đưa con đến trường hoặc đi đón con: cổng nhiều ngôi trường rộng mở, có nơi PHHS vô tư chạy xe vào sân trường, thậm chí vào tận lớp học để đón con em mình gây nên cảnh xô bồ, mất trật tự và thời điểm này là lúc kẻ gian có thể trà trộn vào mà bảo vệ khó phát hiện ra do lực lượng quá mỏng. Nhiều trường trong giờ học cửa vẫn mở và bảo vệ đôi lúc lại không có mặt tại nơi trực vì phải đi phụ một số việc linh tinh khác, mặc dù trường nào cũng có quy định về việc giờ giấc đưa, đón trẻ, trong giờ học phải khóa cổng, không để người lạ mặt tự do vào trường, không để trẻ chạy ra ngoài…
Được biết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trường loại 1 (quy mô trên 28 lớp, trên 1.500 HS) sẽ có 3 bảo vệ; loại 2 (khoảng 1.000 HS) có 2 bảo vệ nhưng tại nhiều địa phương có nhiều trường không bảo đảm đủ lực lượng bảo vệ do lương thấp, chi phí cao nên khó tuyển bảo vệ, thường nhà trường phải tuyển những người nghiệp dư, hay những người đã về hưu làm bảo vệ nên họ đa phần chỉ làm nhiệm vụ gác cổng chứ ít có khả năng đối phó khi có tình huống xấu xảy ra như: ở bậc mầm non, tiểu học HS có thể bị trấn lột, bắt cóc, ở bậc THCS, THPT, PHHS lại lo con, em mình có thể gặp nạn bảo kê, xin đểu, lôi kéo vào các tệ nạn như hút thuốc, ma túy…
Trông người mà ngẫm đến ta. Dù 2 vụ việc nói trên không phải xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng nó đã nhắc nhở chúng ta cần xem xét và chấn chỉnh lại việc bảo đảm an toàn học đường. Vì nếu tiếp tục xem nhẹ công tác này thì kẻ gian hay những người bị bệnh tâm thần không được quản lý chặt chẽ có thể đột nhập vào trường học và gây ra những vụ việc đáng tiếc bất cứ lúc nào và lúc đó uy tín nhà trường, sức khỏe, thậm chí tính mạng của HS đều bị ảnh hưởng. Một số trường nhất là ở bậc mầm non, tiểu học cũng đã đề ra những biện pháp bảo đảm an toàn cho HS. Tuy nhiên các giải pháp hoàn toàn bị động như chống tình trạng bắt cóc trẻ em bằng cam kết giữa gia đình và nhà trường là đăng ký người thân đưa và đón bé tại trường... Việc trang bị kỹ năng ứng phó với những nguyên nhân mang yếu tố bạo lực như hai trường hợp nói trên thì chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục lỗ hổng này, nhiều PH cho rằng đối với trẻ mầm non, tiểu học nên chăng PHHS được đưa trẻ vào tận lớp học dưới sự giám sát của bảo vệ và bảo mẫu; thay vì HS ngồi đợi cha mẹ đến rước ở sân trường thì PH được đến đón con em mình ở lớp; nhà trường cấp thẻ đưa, đón HS cho PH; lắp đặt camera để quan sát vào những giờ cao điểm… có như vậy, ít nhất mới có thể ngăn chặn hoặc phát hiện kịp thời kẻ gian xâm nhập vào trường.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần quan tâm đúng mức vấn đề trên, có kế hoạch, phương án cụ thể, hiệu quả để phòng chống, bài trừ nạn bạo lực học đường song song với việc ổn định, bảo đảm an ninh học đường, góp phần tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện cho những người chủ tương lai của đất nước.
DÂN THƯỜNG