Thông tin về thực phẩm bẩn hầu như xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có những thông tin gây sốc cho không ít người. Từ đó dẫn đến tâm lý lây lan, ăn uống đụng đến gì cũng dè chừng, lo sợ sử dụng phải thực phẩm bẩn. Da heo, mỡ thối; cháo dinh dưỡng có hóa chất natribenzoat, mứt, lạp xưởng được gia công chế biến cạnh nhà vệ sinh, cống rãnh... Đặc biệt, thịt heo là thực phẩm được dùng phổ biến từ lâu cũng được cảnh báo có chất kích thích. Thực trạng nhà chăn nuôi sử dụng thuốc kích thích trong thức ăn để vật nuôi tăng trọng, mắn đẻ nhưng rất có hại cho người tiêu dùng. Thức ăn chăn nuôi chứa các chất được gọi là “hormon tăng trọng”, “kích thích tăng trưởng” nhằm cho heo mau lớn, tăng cân, gia cầm sinh sản nhiều. Mới đây, Chi cục Thú y và Sở Y tế TP.HCM phát hiện có đến 10% của 500 mẫu thịt có chứa clenbuteron, một chất làm giãn phế quản, kích thích thần kinh giao cảm để điều trị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người nhưng đối với vật nuôi thì được ghi nhận có tác dụng làm tăng cơ, tăng trọng... Và đến như hạt dưa là món ăn chơi nhưng cũng phát hiện có chứa chất gây ung thư. Thông tin hạt dưa của Công ty Tấn Phát (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) có chứa chất gây ung thư mà báo chí mới nêu gần đây đã có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng. Theo kết luận của cơ quan chức năng, 70 tấn hạt dưa nguyên liệu của Công ty Tấn Phát có nguồn gốc từ Trung Quốc, 7 tấn còn lại không rõ nguồn gốc. Thông tin này chắc chắn không chỉ gây sốc mà còn làm tăng mối lo sợ đối với những ai nhiều năm qua đã từng cắn tí tách loại hạt này cho vui miệng.
Ăn uống là nhu cầu hàng ngày của con người - một nhu cầu không thể thiếu. Thế nhưng đã đến lúc hầu như ai ai, mọi người, mọi nhà đều luôn lo sợ, nghi ngờ thực phẩm bẩn hiện diện trên mâm cơm gia đình mình. Thực phẩm lưu thông, bày bán có ở khắp nơi, từ siêu thị, chợ đến những hàng quán ven đường. Thực phẩm thì đa dạng: Chế biến sẵn, ở quán ăn hoặc mua đồ tươi sống về chế biến nấu nướng theo sở thích mỗi người, mỗi gia đình... Tuy nhiên nguồn thực phẩm, ngoại trừ có xuất xứ rõ ràng thì phần lớn hiện nay các loại thực phẩm được tiêu dùng nhiều như rau củ quả, phần lớn do tiểu thương cung cấp là từ các hộ trồng rau nhỏ lẻ rất khó kiểm soát, xác định được nguồn gốc. Đó là chưa kể các loại thực phẩm bày bán những chợ cóc, điểm mua bán tự phát, chợ chồm hổm, hàng quán lề đường thì... hầu như chất lượng không thể kiểm soát nổi. Lực lượng cơ quan chức năng thì mỏng, thị trường, không gian lại lớn, mênh mông và phức tạp. Vì vậy việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ là cực khó.
Nêu một hiện trạng có thực về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, người viết không có ý đánh đồng, “vơ đũa cả nắm” gây hoang mang cho người tiêu dùng. Điều mong muốn là làm sao đánh thức lương tâm của ai đó, của nhà sản xuất hãy vì sức khỏe, tính mạng vốn quý của con người, của người tiêu dùng đang là những khách hàng thân quen với họ.
Cuối năm, cận tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Đây cũng là dịp, là cơ hội làm ăn của những kẻ bất chính, hám lợi, thiếu lương tâm tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn... ra thị trường. Vì vậy, cần tăng cường lực lượng làm công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời công bố danh sách sản phẩm không bảo đảm chất lượng, đó cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan chức năng nhằm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
NHẬT HUY