Bài 2: Tấm lòng với Bác qua âm nhạc
Trong chuyên đề nhạc cách mạng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam giải phóng vừa qua, chúng tôi đã đề cập tới nhạc sĩ (NS) Phạm Tuyên. Có thể nói, NS Thuận Yến giữ kỷ lục viết nhiều bài về Bác Hồ và NS Phạm Tuyên lại là người nhận vinh dự cao quý chỉ cho một bài hát. Tương tự, NS Văn Dung với bài “Những bông hoa trong vườn Bác” đều có chung một tấm lòng với Bác qua âm nhạc...
Những bài hát về Bác luôn được chọn biểu diễn tại các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Nói về NS Phạm Tuyên, NS Trương Quang Lục cho biết: “Với bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, Phạm Tuyên đã vô cùng vinh dự bởi ông là người duy nhất theo tôi biết được tặng các giải thưởng cao quý cho bài hát này mà cao nhất là Huân chương Lao động năm 1985 do Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị. Năm 2001, NS Phạm Tuyên cũng được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng. Cuộc đời một người làm nhạc như thế là quá thành công rồi”…
Riêng viết về Bác Hồ, NS Phạm Tuyên đã có những bài hát nổi tiếng như: Từ làng Sen, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Như có Bác trong ngày đại thắng, Suối Lênin.... Trong đó, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng được đông đảo mọi người thuộc lòng và đây là bài hát có tính “hiệu triệu” mọi trái tim của con dân Việt, bài hát tổng kết cả một quá trình chiến đấu gian khổ để “lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”… Cũng như nhiều NS khác, NS Phạm Tuyên đã có cơ hội một lần được gặp Bác. Tuy nhiên, lần gặp đó, NS chỉ được nhìn Bác từ xa. Ông từng kể: “Sau khi giải phóng Thủ đô Hà Nội, tôi dạy học trong khu cư xá. Tôi đã dẫn đoàn học sinh đến biểu diễn cho Bác Hồ xem. Khi các em biểu diễn các bài hát về học sinh, tôi đứng từ xa nhìn Bác. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên”… Thêm một kỷ niệm mà NS Phạm Tuyên mãi nhớ đó là năm 2010, khi vào Huế tham dự sự kiện của Hội Âm nhạc, có một đoàn khách du lịch Nhật Bản xin tham gia. Sau đó họ hát hai bài Hoa anh đào và Như có Bác trong ngày đại thắng bằng tiếng Nhật…
Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương, gợi nhớ về bao kỷ niệm… Cứ mỗi lần nghe bài hát này của NS Văn Dung, chúng ta lại xúc động bồi hồi theo tình cảm của NS dành cho Bác. Bởi, ông đã nói hộ tấm lòng của biết bao người dân đối với Bác Hồ kính yêu. NS Văn Dung tên thật là Nguyễn Văn Dung, sinh năm 1936, quê Hà Nội. Ông nguyên là chuyên viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. NS Văn Dung bắt đầu hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 1961 khi ông về làm biên tập âm nhạc không chuyên của học sinh và thanh niên Hà Nội. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như: Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Đêm Tây nguyên, Xuân biên cương… Đặc biệt nhất là bài Những bông hoa trong vườn Bác rất được mến mộ và trong những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác như thế này, bài hát lại được cất lên. Giai điệu đẹp, tiết tấu nhẹ nhàng của bài hát có thể đơn ca, song ca, hát múa… đều được nên cũng là một trong những tiết mục “đinh” của các chương trình văn nghệ dịp 19-5…
Bài 3: Họa sĩ Trương Bửu Sinh và niềm say mê “được vẽ Bác”
QUỲNH NHƯ