Từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng dần. Trước tết thì còn cho là sức mua tăng, tiểu thương đẩy giá do nhu cầu đột biến tết. Nhưng từ sau tết đến nay, sức mua đã giảm hẳn nhưng giá cả lại tiếp tục tăng, mà đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sức khỏe, sản xuất mới là chuyện đáng bàn.
Sau tết, sữa tăng giá trước rồi tiếp theo là xăng dầu cũng tăng; bắt đầu từ 1-3 giá điện cũng tăng và giá thép (tính từ đầu năm đến nay) cũng tăng 600.000 đồng/tấn. Và hiện nay thuốc tân dược cũng tăng giá đáng kể. Nguyên nhân tăng giá theo các nhà phân tích kinh tế, nhà lãnh đạo ngành, công ty chuyên ngành thì giá các mặt hàng trên tăng là vì giá nguyên liệu thế giới tăng, tăng vì hạn chế bù lỗ và tăng vì giá theo cơ chế thị trường...
Ngay từ khi điều chỉnh giá xăng tăng (chưa kể giá điện tăng) thì người dân bình thường nào cũng hiểu và dự báo được sẽ có hàng loạt mặt hàng tăng giá theo. Người tiêu dùng sẽ tiếp tục gánh nặng từ việc chi tiêu và phải tính toán tiết kiệm, thắt chặt tiêu dùng... Còn các nhà lãnh đạo ngành tài chính giá cả đã có biện pháp kiểm soát bình ổn giá cả thị trường như thế nào. Chính phủ cũng vừa chỉ đạo phân công 5 bộ trưởng tham dự phiên họp lần thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 15-3 đến 19-3-2010 và trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến quản lý giá, kiềm chế lạm phát... Trong tháng 3-2010 Bộ Tài chính phải tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra ngay việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thuế tại các doanh nghiệp sản xuất đối với 6 nhóm mặt hàng: xăng, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học và đường. Đối với mặt hàng thuốc phòng, chữa bệnh, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế tăng cường giám sát giá thuế kê khai... Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các sở công thương vào tuần trước, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở tham mưu cho lãnh đạo địa phương có kế hoạch bình ổn thị trường từ nay đến hết năm, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt kiểm soát giá cả, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý... Như vậy, vấn đề nóng hiện nay đã được đưa ra bàn luận và tìm biện pháp để kiểm soát giá, bình ổn giá cả thị trường, ổn định tiêu dùng. Song, giải quyết vấn đề này không chỉ là vấn đề kiểm soát mà còn liên quan đến một số chính sách kinh tế của Nhà nước như tăng giá VND/USD, lãi suất ngân hàng, thuế...
Rất khó để kiểm soát giá cả, kiềm chế tăng giá, một khi nhiều tác động cộng hưởng từ giá cả thế giới và một số chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước đã và đang thực hiện. Phải có những biện pháp đồng bộ từ phía vĩ mô, còn không chắc chắn sẽ có những hệ lụy đi theo bài ca tăng giá và chắc chắn sẽ khó đạt chỉ tiêu kiềm chế lạm phát 7% của Quốc hội thông qua.
B.T.L