Bài dự thi cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”: Trở về với di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi

Thứ sáu, ngày 11/11/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Với bộ đồ xanh của cô thanh niên xung phong và với lời dẫn trang nghiêm mà ngọt ngào, phát thanh viên Bùi Tuyết đã đưa tôi trở về với Khu di tích cấp quốc gia Nhà tù Phú Lợi mà một thời tôi gắn bó khi còn công tác ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khi ấy, tôi cũng đã tìm hiểu về di tích lịch sử do Mỹ - Diệm xây dựng này để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Chế độ khắc nghiệt ở Nhà tù Phú Lợi như ăn gạo mục, cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi…; sống bẩn thỉu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man. Chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân. Những tên “chúa ngục” nổi tiếng gian ác như: Nguyễn Văn Bông, Trần Vĩnh Đắc, Hồ Văn Tần…

[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]

Tác giả trong một lần đến tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi

Một sự kiện đã diễn ra vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1958 gây căm phẫn lớn. Đó là vụ thảm sát Phú Lợi. Ngày 30-11-1958, trại giam vẫn thực hiện chế độ “ăn tươi” của tù nhân gồm bánh mì và các thức ăn khác. Để đủ khẩu phần ăn, ngoài số bánh mì cũ (có thuốc độc), chúng trộn lẫn bánh mì mới vào nhau và cấp phát cho tù nhân. Số tù nhân bị ngộ độc tăng nhanh, bị đau bụng, nôn mửa, co quắp… Đến ngày 1-12-1958, số tù nhân bị ngộ độc tăng lên hàng trăm người, nhiều người chết, số nằm hôn mê bất tỉnh…

Sự căm phẫn đó đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan” năm 1959:

“…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai.

Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!

Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc.

Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc.

Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn.

Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”.

Video về Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi trong chương trình “Tôi yêu Bình Dương đã kết thúc, nhưng những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu luôn theo tôi nhiều ngày sau. Chương trình “Tôi yêu Bình Dương” đã dẫn dắt tôi trở về với Khu di tích Nhà tù Phú Lợi được bao phủ bởi màu xanh của cây cối, màu tím của hoa bằng lăng, những dãy nhà nằm im như in dấu sự căm thù tột bậc chế độ Mỹ - Diệm và cũng là để nhắc nhở thế hệ sau về lòng biết ơn và tự hào.

Mỗi lần diễn ra các sự kiện của ngành văn hóa tại khu di tích tôi cũng hay thắc mắc, liệu chúng ta vui chơi hay liên hoan trên đất của các bác, cô chú, anh chị như vậy có làm cho người đã khuất không vui không nhỉ? Tôi đem cái thắc mắc ấy hỏi các anh chị trong Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh thì mọi người cười mà nói rằng: Khi tổ chức sự kiện gì ở đây, thì cũng có đại diện lãnh đạo thắp nén nhang xin hết rồi, có được sự đồng ý thì mới tổ chức chứ! Mọi người còn nửa đùa nửa thật, cô chú, anh chị cũng còn hay “về chơi” lắm đó! Khi nghe như vậy, tôi không sợ hãi mà cực kỳ xúc động và cứ nghĩ rằng mọi người vẫn ở quanh đây, từng lời nói bước đi của mình phải thật nhẹ nhàng, từ tốn. Và tôi cũng thầm cầu mong cô chú, anh chị an nghỉ nơi đây thanh thản, vui cùng thế hệ hôm nay và giúp cho Bình Dương ngày càng giàu mạnh. 

GIẢN THỊ THU HIỀN (Trường TH Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một)

Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình D ương” do Báo Bình Dương tổ chức. Cuộc thi được tổ chức từ ngày công bố trên Báo Bình Dương và các mạng xã hội Báo Bình D ương đến ngày 25-11-2022 (tính theo thời gian gửi tác phẩm). Tác giả gửi tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ, tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (nếu có), gửi về: Báo Bình Dương, số 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; email: toasoan@baobinhduong.vn. Với tác phẩm clip “Tôi yêu Bình Dương” phải có lời bình - kịch bản và clip thành phẩm kèm theo đĩa DVD hoặc USB.
Từ khóa: