Bài học thương hiệu từ khăn lụa Khaisilk

Cập nhật: 28-10-2017 | 06:54:29

Vụ khăn lụa Khaisilk, một thương hiệu lớn với hơn 30 năm xây dựng và tồn tại “treo đầu dê, bán thịt chó” đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng (NTD) đối với thương hiệu này. Mặc dù Bộ Công thương đã vào cuộc và đang quyết liệt làm rõ vấn đề, nhưng chắc chắn một điều là Khaisilk khó lấy lại niềm tin đối với NTD. Gian dối trong kinh doanh, Khaisilk không chỉ đánh mất niềm tin của một thương hiệu lớn đã dày công gầy dựng, mà còn ảnh hưởng đến các thương hiệu và hàng hóa khác của Việt Nam nói chung đối với NTD.

 Khăn lụa Khaisilk là thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam nổi tiếng được NTD cả trong và ngoài nước tín nhiệm lâu nay. Khăn lụa Khaisilk không chỉ đơn thuần là một mặt hàng tiêu dùng mà còn là “hồn cốt” của người Việt, được khách du lịch nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Chính cái “hồn cốt” lụa tơ tằm Việt Nam đã đem lại vinh quang cho khăn lụa Khaisilk. Thế nhưng, những người nắm giữ thương hiệu này lại không biết trân trọng giữ gìn. Lợi nhuận làm chủ doanh nghiệp (DN) mờ mắt và rồi “hồn cốt” của người Việt bị đánh tráo, cho đến khi cái mác “made in China” còn sót lại trên hàng hóa thì NTD mới nhận ra. Lý giải cho vấn đề này, phía Khaisilk cũng đã đưa ra nhiều lý do nhưng thiếu thuyết phục. Sự việc đang được Bộ Công thương tiếp tục làm rõ, nhưng chữ “tín” của Khaisilk đối với NTD xem như không còn!

Tiếc cho một thương hiệu đã đành, nhưng cái lớn hơn là bên cạnh Khaisilk còn bao nhiêu thương hiệu và hàng hóa Việt Nam đang bị đánh tráo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”? Bỏ tiền mua hàng Việt nhưng phải xài hàng Trung Quốc là điều khó chấp nhận đối với NTD. Dẫu biết làm vậy là vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nhưng vì lợi nhuận người ta vẫn làm và Khaisilk là một ví dụ. Ngoài Khaisilk chắc chắn còn nhiều, rất nhiều những mặt hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam đang được bày bán trên thị trường. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do người kinh doanh thiếu cả “tâm” và “tầm” trong đạo đức và chiến lược kinh doanh, đi ngược lại quyền lợi của NTD.

Để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cho cả hai phía là DN và NTD trong nước. Về phía DN, Chính phủ khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa và có những ưu đãi giúp DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, tiến tới xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế. Nhiều văn bản bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng hóa trong nước cũng đã được ban hành nhằm giúp DN yên tâm làm ăn, kinh doanh. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam không ngoài mục đích trao thêm cơ hội giúp DN trong nước xây dựng vững chắc thương hiệu hàng hóa. Sự việc Khaisilk bán hàng gắn mác “made in China” đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những DN đang sở hữu thương hiệu lớn của Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ gìn thương hiệu còn khó hơn. Làm ăn chân chính, gắn quyền lợi của DN với quyền lợi của NTD là con đường bền vững nhất. Nếu không thuộc nằm lòng bài học này thì DN khó lòng xây dựng được niềm tin đối với NTD, khó có thể xây dựng được thương hiệu toàn cầu mang tên Việt Nam.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Khaisilk

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4149
Quay lên trên