Tháng 9-2008, các ngành chức năng đã bắt quả tang Công ty Vedan xả thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, ước tính khoảng 5.000m3/ngày, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Áp dụng quy định hiện hành, Bộ Tài nguyên - Môi trường phạt Vedan 216 triệu đồng và truy thu 127 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường; riêng phần thiệt hại trực tiếp gây ra cho hàng ngàn nông dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tính ra khoảng 217 tỷ đồng thì bà con nông dân phải đứng ra kiện đòi Vedan bồi thường thiệt hại.
Lúc đầu, Vedan không chấp nhận “bồi thường”, chỉ đồng ý “hỗ trợ” khoảng 20 tỷ đồng mà thôi! Nếu để cho người nông dân tự xoay trở trong việc kiện thưa này, quả thật còn lắm nỗi truân chuyên; bởi từng hộ dân phải nộp đơn khởi kiện kèm theo những chứng cứ về thiệt hại của họ với số liệu cụ thể, chi tiết rõ ràng, kèm tài liệu chứng minh đầy thuyết phục. Đây là việc không chút dễ dàng, vì bà con nông dân hầu hết chỉ có bản tự khai, chẳng có hóa đơn, chứng từ hợp lý; đã vậy, nhiều đơn kiện với lời lẽ mộc mạc, không rõ ý, không đáp ứng theo yêu cầu của luật pháp; đặc biệt là phương pháp luận yêu cầu là phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của bị đơn với thiệt hại đã gây ra, việc này xem chừng như nan giải! Mặt khác, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam chưa có thủ tục kiện tập thể; vì vậy từng hộ nông dân phải nộp từng bộ hồ sơ khởi kiện riêng lẻ với đầy đủ căn cứ pháp lý. Để tiến hành xét xử và phán quyết cho hàng ngàn vụ kiện đơn lẻ này, tòa án phải mất công sức nhiều tháng, có khi đến cả năm; chưa kể đến quá trình tố tụng xảy ra không ít quyết liệt, căng thẳng về lý lẽ và chứng cứ giữa luật sư hai bên nguyên đơn, bị đơn; chưa kể cách tính toán sao cho hợp lý khoản thiệt hại cụ thể cho từng hộ nông dân làm căn cứ bồi thường.
Nhận thức rõ những khó khăn của mặt trận pháp lý, các luật sư tự nguyện bảo vệ miễn phí và những người đại diện cho nông dân thấy rằng: đấu tranh bằng luật là không đủ. Ấn tượng mạnh mẽ của vụ Vedan chính là hình thành vai trò của nhiều lực lượng xã hội cùng tham gia đấu tranh, tạo sức mạnh cộng đồng để giành thắng lợi. Báo chí đã kịp thời thông tin, bám sát sự kiện này để bình luận, phân tích - xác định rõ mục tiêu đồng hành cùng nông dân, thế nên không có tin, bài nào đi ngược với cuộc đấu tranh. Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM đã lên tiếng đúng lúc, vào thời điểm quan trọng ngay khi tình huống của mặt trận pháp lý đang diễn biến phức tạp. Hưởng ứng lời kêu gọi, một số chuỗi siêu thị lớn đã vào cuộc: không nhập, không bày bán hàng hóa của Vedan khi đơn vị này chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nông dân! Nhiều tiểu thương ở các chợ, quầy hàng bán lẻ đồng lòng xắn tay vào cuộc, người tiêu dùng cũng biểu thị sự đồng tình hưởng ứng tẩy chay sản phẩm mang thương hiệu này. Lâm vào bế tắc, Vedan buộc phải cân nhắc thiệt hơn và đã chấp nhận bồi thường 100% theo yêu cầu của bà con nông dân bị thiệt hại mà không cần phải thông qua tố tụng.
Với sức mạnh của cộng đồng, lẽ phải đã giành thắng lợi!
Thanh Nhàn