Bài học từ thương hiệu cà phê

Cập nhật: 16-09-2011 | 00:00:00

Giới kinh doanh và xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đang bất an vì thương hiệu này đã bị một công ty ở Quảng Đông (Trung Quốc) “cuỗm” tay trên. Cụ thể, hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Tàu” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo” gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc trong 10 năm, tính từ cuối năm 2010 và giữa năm nay. Không chỉ vậy, ngay cả thương hiệu cà phê “Dak Lak” cũng đã bị một doanh nghiệp ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu của mình mà quyền bảo hộ của nó phủ rộng đến hơn 10 quốc gia.

Sự việc đáng tiếc trên bắt nguồn từ sự chậm trễ, thậm chí là hớ hênh của cơ quan quản lý. Đến nay, dù đã khẳng định chất lượng ở thị trường trong nước và thế giới nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể) ở một quốc gia nào. Thậm chí, cách đây 2 năm, trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư vào Đăk Lăk, một lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đã ngỡ ngàng khi nhận danh thiếp của một doanh nhân Trung Quốc có in dòng chữ “Buon Ma Thuot Coffee” và ông đã cảnh báo hiệp hội cà phê địa phương về dấu hiệu này song sau đó sự việc lại rơi vào quên lãng.

Sự chậm trễ trong xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở tầm quốc tế, dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp nước ngoài ung dung “tước” lấy thương hiệu này, không chỉ gây bất lợi cho giới kinh doanh, xuất khẩu cà phê của nước ta mà đó còn là sự thiếu sâu sát của những người có trách nhiệm vì chỉ dẫn địa lý chính là tài sản của quốc gia không ai có quyền chiếm đoạt. Đây cũng không phải lần đầu tiên nông sản ở Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp thương hiệu; tiền lệ chua xót đã từng xảy ra đối với kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi... Thực tế này chứng minh việc đăng ký thương hiệu ở Việt Nam còn quá nghiệp dư, chủ yếu chỉ bảo hộ trong nước, còn xây dựng chỉ dẫn địa lý càng mù mờ và ít hơn. Đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì người ta mới nhận ra nguyên nhân cũ rích: Mất bò mới lo làm chuồng!

Hiện nay, những người có trách nhiệm đang khẩn trương tìm cách lấy lại bản quyền thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột, điều thuận lợi là ta có cơ sở chứng lý chặt chẽ (tên gọi gắn liền với địa danh của Việt Nam). Mặc dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở đây mà quên việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột thì chưa thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ, lâu dài. Vụ việc đáng tiếc này cũng để lại kinh nghiệm “xương máu”, có tính cấp thiết cho các địa phương và doanh nghiệp là phải nhanh chóng xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho mình, không chỉ dừng lại ở cấp độ trong nước mà còn ở các thị trường nước ngoài theo xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Đối với các địa phương có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng như Bình Dương thì việc này lại càng đáng quan tâm.

 Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=300
Quay lên trên