11 giờ 30 phút ngày 30- 4-1975, lá cờ quân giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, cả giang sơn Việt Nam thu về một mối.
Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Chúng tôi có dịp gặp Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ông có buổi đến thăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Dương nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi mà 50 năm trước, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng của ông đã làm nên lịch sử, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi nối tiếp thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, là thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thắng lợi của 21 năm ròng rã phải chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới với quy mô lớn nhất, ác liệt nhất, tàn bạo nhất, lâu dài nhất. Chúng ta toàn thắng là nhờ vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh; kết tinh và kế tục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ của toàn dân ta, từ sự nghiệp chính nghĩa của một dân tộc anh hùng, tạo nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thể hiện khát vọng cháy bỏng về sự thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, nhân dân cả nước được sống trong hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, cùng vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh 50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học quý của Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho dân tộc Việt Nam và LLVT ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là điển hình về tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng; là sự kết hợp quy mô lớn giữa hoạt động tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; là đòn tiến công quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, góp phần quyết định kết thúc chiến tranh. Đồng thời, chiến dịch để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật nắm thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm chiến dịch chính xác, kịp thời, huy động và tạo sức mạnh ưu thế áp đảo bằng sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng và thế trận; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp LLVT ba thứ quân, lấy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng là chủ yếu. Và thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, mà đó chính là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí kiên cường, bất khuất và khát vọng hòa bình, thống nhất cháy bỏng của nhân dân Việt Nam.
“Tấm bản đồ má trao”
Mở đầu buổi nói chuyện với học sinh TP.Thuận An tại nhà riêng má Sáu Ngẫu (má Huỳnh Thị Sáu) ở phường An Thạnh về chiến thắng của ngày 30-4-1975 lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nói: “Trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, nếu không có tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn và những thông tin má Sáu Ngẫu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại. Nhớ ơn má, vào dịp 30-4 hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về đây để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước, với Trung đoàn”. Khi ấy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390), Quân đoàn 1, trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn từ hướng Bắc - hướng chiến trường tỉnh Thủ Dầu Một.
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Tôi nhớ rõ đó là hình ảnh má Sáu Ngẫu. Khi bộ đội tiến công vào, má Sáu Ngẫu đã chủ động mời bộ đội vào nhà, chỉ dẫn đường đi, hướng tiến công thế nào thuận lợi, thông báo vị trí địch đóng quân để tránh thương vong, ân cần dặn dò. Điều đó đã cho thấy lòng dân Bình Dương luôn hướng về cách mạng, gắn bó máu thịt với bộ đội và lực lượng vũ trang. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động...”. |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại câu chuyện của 50 năm trước: “Đêm 29-4-1975, Trung đoàn 27 đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km. Đường 13 tối mịt mù, chỉ có một căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn leo lét. Tôi nghĩ đây có thể là cơ sở của ta. Tôi cùng tổ trinh sát băng qua nghĩa địa, bìa rừng, cho trinh sát hô “Hồ Chí Minh” 3 lần. Một lát sau, có một bà má ra mở cửa, đáp lại: “Muôn năm”. Đúng như tôi dự đoán, căn nhà của bà Huỳnh Thị Sáu chính là cơ sở cách mạng của ta. Khi vào trong nhà, tôi thưa với má Sáu: “Con là Chỉ huy quân giải phóng miền nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng con có nhiệm vụ đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và tiến công vào Bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy. Nếu má có thông tin gì, xin má giúp”. Tôi đưa bản đồ chỉ huy cho má Sáu nhìn. Má xem và nói: “Má không rành bản đồ này”. Rồi má vào buồng, mang ra một tấm bản đồ viết tay. Tôi thấy má đã ghi rất kỹ, nét chữ rất đẹp. Sau này mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn.
Theo bản đồ của má, cách nơi đóng quân khoảng 5km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy. Má dặn: “Ngày mai tiến công, các con không cần đánh, họ sẽ kêu hàng. Nhưng phải chiếm thật nhanh Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”. Tôi hỏi má Sáu có con đường nào khác để vào Sài Gòn không, má nói chỉ có cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được chỉ có bộ binh đi được. Má Sáu thậm chí còn ngỏ ý cùng hai con nhỏ ngồi lên xe tăng dẫn đường cho chúng tôi tiến công vào Gò Vấp. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội đã từ chối vì má Sáu đã già và hai con má còn nhỏ. Chúng tôi hẹn má đánh xong trận này sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào... Giữ lời hứa, ngay sau giải phóng, chúng tôi đã tổ chức về thăm và cảm ơn má và đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa trái...”.
Đại tá Phạm Văn Trọng, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân hiện ở phường An Tây, TP.Bến Cát cũng chia sẻ: “Nửa thế kỷ đi qua nhưng những ký ức của một thời đánh Mỹ vẫn luôn rạo rực, mãi không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi. 13 năm liên tục trực tiếp vừa chiến đấu, vừa cứu chữa thương binh trên chiến trường miền Đông Nam bộ, tôi cảm nhận được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân. Những năm tháng ác liệt của chiến trường, vừa chiến đấu, vừa cứu chữa cho các đồng đội bị thương trong điều kiện thuốc men, phương tiện phục vụ phẫu thuật vô cùng thiếu thốn, nếu không có nhân dân và chính quyền địa phương nơi chúng tôi đứng chân hỗ trợ thì chúng tôi không thể cứu sống được nhiều thương binh như thế”.
Ngày 30-4-1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Đó là ngày toàn dân tộc khẳng định trước toàn thế giới rằng, ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất non sông là bất diệt, không một thế lực nào có thể khuất phục. Tinh thần ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy… mãi là bầu nhiệt huyết sục sôi, kết thành niềm tự hào, niềm tin son sắt, động lực tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời đại mới.
THU THẢO - THANH TUYỀN