Bản hùng ca tháng 7!

Cập nhật: 30-07-2012 | 00:00:00

Những ngày tháng 7 của một năm sắp đi qua, những sôi nổi, xôn xao của tháng tri ân đã tạm lắng xuống, nhưng đối với người Việt Nam, công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của cuộc sống hôm nay luôn được khắc ghi trong trái tim của mỗi người hàng ngày, hàng giờ. Nghĩa tình ấy không ai có thể quên và nghĩa tình ấy chúng ta không làm sao đáp đền cho xứng đáng.

Những ngày tháng 7 - tháng đền ơn đáp nghĩa này, tôi may mắn đọc được những bài viết nói về 64 liệt sĩ Gạc Ma và những người mẹ của họ - tự nhiên thấy cảm xúc dâng trào và lòng thêm kính phục những tấm gương kiên cường, bất khuất của nhiều anh hùng liệt sĩ của dân tộc. Có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta, Gạc Ma là một địa danh mới mẻ và xa lạ, nhưng khi tìm hiểu ta sẽ cảm thấy địa danh này bỗng hóa gần hơn, bởi Gạc Ma là hòn đảo chìm nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ trận hải chiến bi hùng khiến 64 chiến sĩ của chúng ta phải ngã xuống ở đây trong một thế trận không cân sức... Dù 24 năm đã trôi qua nhưng cho đến bây giờ, có những bà mẹ của các chiến sĩ đã hy sinh năm ấy ngày ngày vẫn ngồi tựa bậu cửa để chờ tin tức của con mình.

Tưởng rằng lửa chiến tranh ở vùng lãnh hải của nước ta đã tắt, nhưng những ngày tháng 7-2012, một lần nữa biển Đông - nơi đã từng ôm ấp vào lòng 64 liệt sĩ của chúng ta 24 năm trước lại dậy sóng bởi nước láng giềng Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây bất ổn ở đây nhằm từng bước thực hiện ý đồ muốn thâu tóm khu vực này, mà việc làm trắng trợn nhất là động thái thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Song song đó, các phương tiện truyền thông của nước này những ngày gần đây cũng liên tục đưa tin: Trung Quốc chuẩn bị tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn trên biển Đông...

Những ngày này đi đâu, đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán, theo dõi tình hình biển Đông: vào quán cà phê, đi chợ, vào siêu thị, buổi sáng, trưa, chiều, tối... mới cảm nhận được ý nghĩa  Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt của người dân Việt Nam nói chung và người dân Bình Dương nói riêng,  bỗng thấy khoảng cách dịu vợi giữa đất liền và đảo xa như ngắn lại và hình ảnh những chiến sĩ hải quân với làn da rám nắng bồng súng đứng canh giữ lãnh hải quê hương như hiển hiện trước mắt mình...

Người Việt Nam ta xưa nay nổi tiếng là hiền lành, thân thiện, mến khách và... căm ghét chiến tranh, bởi Việt Nam đã trải qua bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước để đất nước được trường tồn và phát triển như ngày hôm nay. Hậu quả của những năm tháng chìm trong khói lửa chiến tranh đã dần được khắc phục, nhưng những di chứng của chiến tranh vẫn còn đang tồn tại dai dẳng và di truyền qua nhiều thế hệ của nhiều gia đình Việt Nam... nên người Việt Nam căm ghét chiến tranh. Song với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - người Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh xương máu, tiền của để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của quê hương. Chỉ mong sao tất cả những tranh chấp được giải quyết ổn thỏa trên tinh thần hòa khí theo đúng luật pháp quốc tế, chỉ mong sao người láng giềng tỉnh ngộ những hành động ngang ngược không chỉ bị người Việt Nam, mà còn không ít người Trung Quốc và người dân nhiều nước trên thế giới lên án. Hy vọng những điều đáng tiếc sẽ không xảy ra, nhưng nếu cần thiết bao lớp người Việt Nam vẫn sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương, viết tiếp bản hùng ca tháng 7!

 VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=402
Quay lên trên