Báo chí cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước - Bài 3 

Cập nhật: 15-06-2015 | 08:39:05

Bài 3: Phát huy truyền thống, cùng đất nước vươn lên hội nhập

Sau đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975, thống nhất đất nước, nhiều tờ báo được sáp nhập. Mạng lưới báo chí cách mạng Việt Nam được phân bổ và phát hành rộng rãi. Báo chí thời kỳ này có nhiệm vụ phải làm sao đề cập một cách đầy đủ và hợp lý mọi vấn đề của hai miền. Nếu như trong thời kỳ chiến tranh, chủ đề trung tâm là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì trong thời điểm này, chủ đề trung tâm được báo chí phản ánh là “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Các nhà báo tác nghiệp tại khu vực dành cho báo chí tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) Ảnh: P.V 

Thời kỳ này, báo chí đã ra sức tuyên truyền về tình cảm thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc; cổ vũ, động viên cho nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế mới. Cũng trong thời gian này đã ra đời nhiều tờ báo mới, có nội dung đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, không lâu sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta lại phải bước vào cuộc chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực bành trướng xâm lược. Báo chí theo tiếng gọi của Đảng và dân tộc, tiếp tục cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa, làm cho bạn bè thế giới hiểu được bản chất của cuộc chiến tranh này.

Bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, hoạt động của báo chí gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giá thành sản phẩm tăng cao; hoạt động của báo chí chủ yếu theo sự phân phối từ trên xuống. Trong bối cảnh chung đó, nhiều tờ báo đã chủ động tìm ra những hướng đi, những cách làm mới phù hợp với thời cuộc như báo Sài Gòn giải phóng, Khoa học và Đời sống, Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh… Những tờ báo này đã có nhiều sáng kiến trong việc cải tiến thông tin, hình thức, nội dung, đáp ứng được phần nào nhu cầu của bạn đọc. Có thể nói, báo chí trong thời kỳ này đã có sự phát triển hơn về số lượng, phong phú, đa dạng về loại hình. Tuy nhiên, trong thời kỳ này báo chí còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như hệ thống báo chí còn mỏng, chưa có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước, ít loại báo chuyên biệt mà chủ yếu là các loại báo phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng. Sự bao cấp đã làm giảm tính năng động của báo chí. Vì thiếu quan tâm, đầu tư đến hiệu quả kinh tế nên hình thức, nội dung của các tờ báo còn đơn điệu, thiếu sáng tạo… Những vấn đề trên đòi hỏi báo chí phải có sự thay đổi thật sự từ phong cách đến nội dung.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước. Hoạt động báo chí cũng được đổi mới về tư duy, tổ chức, phát huy được đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Tháng 1-1990, Quốc hội đã thông qua và chính thức công bố Luật Báo chí mới. Được tạo điều kiện về hành lang pháp lý, báo chí đã thể hiện trung thực, khách quan những vấn đề nóng hổi của đất nước; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới; tuyên truyền, giáo dục cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khẳng định chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là bước phát triển tất yếu của dân tộc.

Hiện cả nước có 830 cơ quan báo in gồm hơn 1.100 ấn phẩm báo và tạp chí, tổng số lượng phát hành khoảng 650 triệu bản trong một năm; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình gồm hai đài trực thuộc Trung ương. Hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, hơn 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và khoảng hơn 5.000 phóng viên đang hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo. Đội ngũ những người làm báo không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng, hầu hết đã tốt nghiệp đại học trở lên, khoảng 41% được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí.

Trong những năm gần đây, báo chí đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Hiện nay, báo chí của các cơ quan Trung ương, địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, trường đại học, viện nghiên cứu… có cả 4 loại hình là báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Báo chí đang phát triển ngày càng mạnh mẽ với hơn 830 cơ quan báo in gồm hơn 1.100 ấn phẩm báo và tạp chí, tổng số lượng phát hành khoảng 650 triệu bản trong một năm; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình gồm hai đài trực thuộc Trung ương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam), 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương (TP.Hồ Chí Minh có 2 đài là Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh). Hệ thống truyền hình trả tiền sử dụng 4 loại công nghệ truyền dẫn, phát sóng với số lượng thuê bao tăng theo từng năm (tính đến năm 2013 đạt hơn 6,6 triệu thuê bao).

Về nguồn nhân lực, cả nước hiện có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, hơn 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và khoảng hơn 5.000 phóng viên đang hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo. Đội ngũ những người làm báo không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng, hầu hết đã tốt nghiệp đại học trở lên, khoảng 41% được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí. Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của mình; thực hiện đúng theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thông tin đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. Thông tin trên báo chí nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, giới thiệu với các dân tộc và bạn bè trên thế giới về đất nước, con người Việt Nam, về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Báo chí còn tích cực giới thiệu nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phê phán quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Có thể nói, trong chặng đường lịch sử 90 năm báo chí cách mạng đã góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Báo chí đã trở thành một công cụ, một vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Những thành tựu mà đất nước đạt được trong những năm qua có phần đóng góp to lớn của báo chí cách mạng. Bước vào thời kỳ mới, trước những đòi hỏi, yêu cầu của đất nước và thời đại, trước mong mỏi của nhân dân, báo chí cách mạng cần liên tục đổi mới cả về nội dung và hình thức để xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, là một vũ khí sắn bén trên trận địa văn hóa - tư tưởng.

 

 Bài 4: Báo Sông Bé - Bình Dương - Những dấu ấn không phai

 

ĐÀM THANH (tổng hợp)

 


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1099
Quay lên trên