Từ lâu, Bình Dương là địa phương luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động (NLĐ). Nhiều chủ trương, chính sách cũng như các chương trình hoạt động thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống của NLĐ, giúp NLĐ an cư lạc nghiệp. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi kinh tế, Bình Dương đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho NLĐ cũng như chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, giảm giờ làm, bố trí NLĐ nghỉ luân phiên hoặc thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương dẫn đến một số người “khăn gói” về quê, tạo thêm gánh nặng gia đình. Cũng giống như trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, tâm lý đó đã ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều công nhân nên có sự lo lắng, xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt của NLĐ. Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang tổ chức tuyển dụng do thiếu hụt lao động, nhất là các DN trong lĩnh vực may mặc, giày da và các công việc dịch vụ kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh... Thậm chí, một số doanh nghiệp đã chủ động đi đến các tỉnh miền Tây để truyền thông cho NLĐ các địa phương biết thực tế nhu cầu lao động ở Bình Dương đang cần, nhất là dịp cuối năm.
Nhằm chia sẻ với những khó khăn của NLĐ cũng như bảo đảm về việc làm, chính sách phúc lợi cho NLĐ, ổn định tình hình an ninh trật tự, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp ổn định quan hệ lao động, kết nối cung cầu lao động để người tìm việc và việc tìm người gặp nhau; tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm đơn hàng mới cho doanh nghiệp, đồng thời tạo thêm việc làm cho NLĐ; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ liên quan đến chính sách lao động, bảo hiểm xã hội; đồng thời hỗ trợ và chăm lo đời sống NLĐ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến...
Trong khó khăn chính quyền và các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh đã không ngừng nỗ lực để chăm lo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho NLĐ cả về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, để giữ chân NLĐ - tài sản của mình, thì các doanh nghiệp cũng phải sẻ chia, cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm trong khả năng có thể, bảo đảm các chính sách, phúc lợi cho NLĐ theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.. .
K.TÂN