Bạo lực học đường đã thành chuyện lớn!

Cập nhật: 31-03-2010 | 00:00:00

Bạo lực học đường (BLHĐ) đang có xu hướng gia tăng. Nó đã gây ra những hệ lụy không nhỏ về mặt tinh thần cho gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là thực trạng báo động về sự xuống cấp đạo đức lối sống trong một bộ phận học sinh thích ăn chơi đua đòi, thích hưởng thụ, sống ích kỷ và thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình. Những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây có cả nguyên nhân từ phía nhà trường khi chương trình giáo dục đạo đức lối sống còn một “khoảng trống”. Sách vở dạy những điều xa vời, trong khi một bộ phận học sinh này thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống, chưa biết ứng xử phù hợp với lối sống có văn hóa.

Hiện nay, BLHĐ đang có chiều hướng gia tăng theo hai hướng đáng lo ngại đó là tính chất nguy hiểm và vụ việc ngày càng nhiều. BLHĐ do nhiều nguyên nhân tác động và có nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu xoay quanh các mối quan hệ trong môi trường học đường - gia đình - xã hội. Ngoài xã hội, trẻ bị tác động xấu, “thẩm thấu” không chọn lọc trong những thông tin từ các phương tiện như internet, game online, phim ảnh có nội dung xấu... Ở gia đình, nhiều bậc cha mẹ mải lo “cơm áo gạo tiền” nên thiếu quan tâm, chăm chút con cái. Từ đó, mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái vì trở nên “xa cách”, có ít thời gian để chia sẻ. Ngoài ra, cũng phải nói đến yếu tố nhà trường, do tác động của sự “quá tải” trong học tập nên sự gần gũi giữa học sinh với nhau và thầy cô với học sinh cũng thay đổi... Có thể nói, chính vì thiếu sự quan tâm, gần gũi theo sát với các em, nhất là trong độ tuổi đang phát triển nhân cách, đã khiến trẻ em khó kiểm soát được chính bản thân từ đó gây nên những vụ việc đau lòng và hết sức đáng lo ngại.

BLHĐ là nỗi lo thường trực của từng nhà trường, từng gia đình có con em đang đi học. Để “phòng tận gốc” BLHĐ, theo một số chuyên gia tâm lý giáo dục cần phải tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho các em ở từng trường phổ thông; lồng ghép kỹ năng sống vào các bài học giáo dục công dân. Ngoài việc giúp học sinh tìm hiểu về một số luật, thì giáo viên phải giúp các em có thêm nhiều hiểu biết pháp luật, biết tôn trọng pháp luật.

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhà trường năm 2010. Và gần đây nhất, ngày 29-3, bộ đã có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT thống kê các vụ đánh nhau của học sinh trong năm học 2009-2010, ghi nhận rõ diễn biến sự việc, các hình thức xử lý kỷ luật... Bộ cũng kêu gọi các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục trên cả nước đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm ngăn ngừa từ xa, ngăn chặn kịp thời, xử lý có hiệu quả tình trạng trên... Động thái trên của Bộ GD-ĐT tuy có chậm nhưng đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đang được dư luận xã hội hoan nghênh.

Làm gì để hạn chế BLHĐ? Giờ đây, câu hỏi này không chỉ dành riêng cho ngành GD-ĐT.

NHẬT HUY
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=356
Quay lên trên