Bao nhiêu đóa hồng cho xứng đáng?

Thứ bảy, ngày 20/11/2010

Vô tình được xem phóng sự về một cô giáo trên kênh truyền hình HTV9 mới đây, lòng tôi bỗng nghe bồi hồi xúc động và dâng trào niềm cảm phục với suy nghĩ “Cám ơn cuộc đời đã có những người như vậy”.

Phóng sự ấy nói về một cô giáo đã 17 năm tận tụy làm nghề “đưa đò”, cô đã dạy dỗ, giáo dục nhiều lớp học sinh của một ngôi trường ở làng Vân - một ngôi làng như một ốc đảo nằm dưới chân đèo Hải Vân (thành phố Đà Nẵng), vì nó là nơi ở của những người bị bệnh phong. Và ngôi trường ở làng Vân này là nơi dạy học cho những học sinh là con em của những gia đình bị bệnh phong ở trong làng.

Làng nghèo, hơn nữa đây là ngôi làng của những người bị bệnh phong ít nhiều cũng có khoảng cách về vật chất và tinh thần đối với những địa phương lân cận... nên trường cũng nghèo, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thu nhập thấp nên bản thân thầy cô giáo cũng nghèo. Vậy mà 17 năm qua, cô giáo ấy, tôi nhớ không lầm cô có tên là Hà Thị Thu Oanh đã ngày ngày không quản khó khăn vất vả phải trèo đèo, vượt suối đúng nghĩa của nó để đến với những em học sinh thân yêu của mình. Không những vậy, mỗi khi đi dạy cô phải mang theo một cái đèn pin để soi đường vì để vượt qua quãng đường 9km cô không chỉ phải lên dốc, xuống đèo, băng rừng, lội suối mà còn phải đi vào lòng hầm đèo Hải Vân để đến lớp.

Nhìn cô giáo Oanh cầm đèn pin lần mò đi trong ánh sáng lờ mờ trong hầm đèo, có những đoạn đang trong giai đoạn trùng tu, sửa chữa lởm chởm đầy đất đá... mắt tôi chợt cay cay. Một nam bảo vệ hầm đèo Hải Vân đã nói rằng: Kể từ khi tôi trực gác ở đây, chỉ trừ ngày chủ nhật, còn lại ngày nào cũng vậy tôi đều thấy cô giáo Oanh đi dạy qua đây: 6 giờ sáng đi và 4 - 5 giờ chiều trở về... Ôi cao quý thay tấm lòng của những người thầy, người cô đã quên cả tuổi xuân, quên những khó khăn cực nhọc để đem tri thức đến cho con em chúng ta, đã góp phần giáo dục, đào tạo để con em chúng ta khôn lớn, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Dù đây đó thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra tình trạng thầy giáo, cô giáo bạo hành học sinh, cô chăm sóc cháu không kỹ, không tốt làm xảy ra những chuyện đáng tiếc, nhưng phải nhìn nhận rằng đội ngũ nhà giáo của ta luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình, nhất là trong năm học này, khi mà ngành giáo dục - đào tạo đã và đang phát động phong trào: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ở Bình Dương, tôi cũng biết có những người thầy dù đã về hưu từ lâu, dù đã có tuổi, có thời điểm sức khỏe không tốt nhưng thầy vẫn duy trì dạy phụ đạo thêm cho học sinh mà không hề đặt vấn đề học phí hay đòi hỏi gì, trừ việc cha mẹ và các em học sinh phải cam kết: đi học thường xuyên, đều đặn, khi học phải tập trung, về nhà phải làm bài tập, đến lớp phải tích cực phát biểu ý kiến... Hay có những cô giáo ở vùng sâu, vùng xa ngày ngày phải vượt qua đoạn đường gần 20 cây số để đến lớp, có cô thường xuyên cho quần áo, tặng tập, viết cho học sinh nghèo để các em có thêm điều kiện để đến lớp... Và còn nhiều, nhiều nữa những thầy, cô giáo như vậy...

Có lẽ tìm kiếm đâu xa, đây chính là những tấm gương đời thường nhưng thật cao cả ở chung quanh chúng ta. Chính những thầy giáo, cô giáo ấy là những điển hình sinh động của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thể hiện tinh thần “Tất cả vì đàn em thân yêu”... Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 này biết tặng bao nhiêu đóa hồng tươi thắm cho xứng đáng với những hy sinh, đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của những người thầy, người cô ấy cho xã hội. Có lẽ chỉ có thể thầm nói rằng: Xin thành thật cảm ơn!

VÕ HƯƠNG