Kể từ khi kỹ thuật số, mạng truyền thông số hóa Internet và máy tính cá nhân ra đời, việc tiêu thụ sách và nắm giữ quyền tác phẩm của tác giả ngày càng trở nên khó khăn hơn trước vấn nạn bị người khác xâm phạm bằng cách sao chép, “cầm nhầm”! Nhân “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới” (World Book and Copyright Day), đề cập vấn đề này để thấy việc bảo vệ bản quyền sách nói riêng và các tác phẩm được cấp bản quyền nói chung đối với tác giả và người nắm giữ bản quyền đang ngày càng mong manh hơn.
Mạng truyền thông số hóa Internet và máy tính cá nhân ra đời mang lại nhiều lợi ích đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng truyền thông số hóa cũng tiềm tàng nhiều rủi ro cho tác giả về quyền tác phẩm bởi dễ dàng bị người khác sao chép, lưu trữ và phổ biến khi chưa có sự đồng ý của tác giả…
Một quyển sách khi đã được số hóa có thể sao chép một cách dễ dàng, nhanh chóng, với chi phí thấp mà chất lượng vẫn bảo đảm. Mỗi bản copy lại tiếp tục được sao chép thành nhiều bản khác mà vẫn giữ nguyên chất lượng ban đầu. Như vậy, chỉ cần một bản copy cũng có thể đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người. Cùng với đó, mạng số hóa toàn cầu cho phép phổ biến tác phẩm dưới dạng số một cách nhanh chóng. Mạng số hóa còn cho phép mỗi cá nhân có thể trở thành chủ thể truyền phát, khiến cho số lượng tác phẩm phát tán tăng theo cấp số nhân. Dễ dàng phát tán cùng với khả năng dễ dàng sao chép khiến một bản copy số hóa của một quyển sách có thể được tái bản hàng chục ngàn lần chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Và, khi được phát tán bằng đường truyền tốc độ cao, quá trình đó còn diễn ra nhanh hơn.
Mặc dù đã được điều chỉnh bằng Luật Bản quyền và Quyền tác giả, nhưng vấn nạn sao chép, “cầm nhầm” tác phẩm vẫn diễn ra khắp nơi, ở mọi thời đại. Tuy nhiên, vấn nạn sao chép, sử dụng tác quyền của người khác chỉ thực sự bùng phát mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Tại Việt Nam, thời gian gần đây mọi người cũng đã được chứng kiến rất nhiều vụ tranh chấp bản quyền tác phẩm, quyền tác giả ở nhiều lĩnh vực, như: Sách, ảnh, nhạc, họa, công trình nghiên cứu... Bên cạnh những vụ đình đám được khởi tố, vẫn còn rất nhiều vụ vi phạm tác quyền chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng không khởi tố do tác giả hoặc người nắm giữ bản quyền tác phẩm ngại kiện tụng, tranh chấp trước tòa.
Không riêng sách, cuộc cách mạng kỹ thuật số trong phương thức sao chép, tái bản thông tin số hóa bao gồm các tác phẩm được cấp bản quyền rõ ràng là một con dao hai lưỡi đối với tác giả và đối với cả người nắm giữ bản quyền. Một mặt, nó giúp cho tác giả có thể quảng bá tác phẩm của mình tới đông đảo bạn đọc, công chúng một cách thuận tiện và tiết kiệm hơn rất nhiều so với trước đây. Mặt khác, tiến bộ công nghệ này cũng tạo cơ hội cho nhiều kẻ gian cạnh tranh bất hợp pháp với tác giả. Thách thức đối với tác giả trong vấn đề bảo vệ tác quyền thời kỹ thuật số là rất lớn. Để ngăn chặn được điều này, bên cạnh trách nhiệm của ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc của chính tác giả có bản quyền tác phẩm bị người khác sao chép, “cầm nhầm”.
LÊ QUANG