Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cập nhật: 29-06-2011 | 00:00:00

Từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sẽ chính thức có hiệu lực, thiết thực góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của đông đảo người tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đây là bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD - cũng là “tấm lá chắn” hữu hiệu đang được kỳ vọng không để NTD bị xâm hại lợi ích.

NTD vốn dĩ được xem là nhân tố quyết định đến phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ; nắm giữ vai trò trọng yếu đối với hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN); song thời gian qua, thực tế không phải DN nào cũng ý thức rõ điều này để rồi mặc nhiên có những hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ, gây thiệt hại không chỉ là tiền mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của họ. Qua kết quả khảo sát gần đây cho thấy, đã có hơn 60% NTD mua sắm nhằm hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng giả... Thế mà khi gặp “sự cố”, phần lớn NTD đều ấm ức bỏ qua; vì ngại khiếu nại, sợ phiền toái, mất thời gian rồi “liệu có mang lại kết quả gì không” trong khi giá trị món hàng bồi hoàn thường không lớn. Chính vì vậy vô hình chung đã tạo điều kiện khiến cho các vi phạm gia tăng, nhà sản xuất - kinh doanh lớn tiếng đổ lỗi, lẩn tránh trách nhiệm, chây ỳ trong giai quyết vụ việc. Trong trường hợp này, NTD chọn cách bỏ qua, chấp nhận thua thiệt chính là dung dưỡng cách làm ăn thiếu trách nhiệm với xã hội, mặt khác cũng do NTD nhận thức chưa đầy đủ về cái quyền của mình theo quy định pháp luật. Bởi lẽ NTD chưa nhận ra tầm quan trọng của mình đối với các sản phẩm bày bán trên thị trường đó là có quyền quyết định tiêu thụ hay không tiêu thụ sản phẩm nào đó. Nếu DN có liên quan không thực tâm cầu thị, xem trọng vai trò của “thượng đế”, tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hiệu quả làm ăn; thậm chí dẫn đến phá sản như chơi, nếu như bị NTD “hè” nhau tẩy chay sản phẩm.

Tất nhiên, không phải lúc nào áp dụng biện pháp mạnh này cũng hợp lý nhưng xem ra đây cũng là cách đấu tranh để chống lại DN đưa ra loại sản phẩm không có thiện ý đối với NTD. Lợi ích của nhà sản xuất, nhà phân phối luôn luôn gắn chặt với NTD, vậy mà NTD quay lưng thì liệu DN có tồn  tại? Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có điểm quan trọng là NTD không phải chứng minh việc vi phạm của DN; khi có khiếu kiện thì chính DN phải có nghĩa vụ chứng minh hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của mình là bảo đảm an toàn và đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, luật sẽ sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ số DN có hành vi xâm phạm quyền lợi NTD, thông qua quy định sẽ công bố công khai danh sách các DN có hành vi vi phạm nhằm tạo dư luận đấu tranh răn đe, loại bỏ các hành vi gây thiệt hại đến NTD.

Luật đi vào cuộc sống sẽ cải thiện vị thế của NTD; song muốn thực thi có hiệu quả, rất cần NTD thay đổi trong nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. NTD cần yêu cầu DN cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ chứng nhận sản phẩm, hóa đơn bán hàng và mạnh dạn khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp. Hãy cùng lên tiếng vì lợi ích của NTD và cũng là chính mình để ngăn ngừa tình trạng DN chèn ép, gây thua thiệt cho NTD, không làm tốt trách nhiệm đối với cộng đồng.

Thanh Nhàn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=333
Quay lên trên