Một doanh nhân Kuwait đã nghiên cứu nuôi sâu gạo và tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh để đưa loại côn trùng này trở thành "siêu thực phẩm" cho con người đồng thời đem lại lợi nhuận cao.
Sâu gạo hứa hẹn trở thành 'siêu thực phẩm' tại Kuwait. (Nguồn: AFP)
Trong một căn phòng nhỏ và tối bên ngoài thành phố Kuwait, ông Jassem Buabbas đặt ấu trùng của một loài bọ cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae vào một chiếc hộp trong suốt cùng với lớp cám và bột ngô. Trong một chiếc hộp khác, ông đặt những con trưởng thành để giao phối.
Nhiều năm nay, doanh nhân người Kuwait này đã nuôi sâu gạo và bán cho các khách hàng làm thức ăn nuôi động vật.
Tuy nhiên, hiện ông đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh với hy vọng đưa loài côn trùng này đến tận bàn ăn của các gia đình tại Vùng Vịnh.
Mỗi ngày, người nuôi sâu gạo này dành hai giờ đồng hồ để cho côn trùng ăn và điều chỉnh nhiệt độ cũng như độ ẩm phù hợp.
Cứ sau 3 tháng, doanh nhân Buabbas lại sản xuất được 3.000-6.000 con và có thời điểm lên tới 10.000 con. Những con sâu gạo mất khoảng 90 ngày để trưởng thành, với mỗi con nặng xấp xỉ 1 gram và dài 6 cm. Chúng có giá 2 USD/25 con.
Theo ông Buabbas, ngành sản xuất và kinh doanh sâu gạo đang trở nên hấp dẫn. Nhiều khách hàng bỏ ra hàng nghìn USD mỗi lần để mua sâu gạo làm thức ăn cho chim.
Trước khi các cửa khẩu đóng cửa do dịch COVID-19, doanh nhân người Kuwait này thường xuất những hộp sâu gạo sang các nước Vùng Vịnh khác, đặc biệt là Saudi Arabia.
Trong khi sâu gạo là mặt hàng được những người nuôi chim, cá và thằn lằn săn đón, nhưng chưa được chính quyền Kuwait cấp phép để làm thực phẩm cho con người.
Vì vậy, ông Buabbas đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh để biến sâu gạo thành "siêu thực phẩm" cho con người, cũng như đặt mục tiêu mở cửa hàng đầu tiên tại vùng Vịnh cung cấp loại ấu trùng nổi tiếng giàu protein này.
Mỗi ngày, người nuôi sâu gạo này dành hai giờ đồng hồ để cho côn trùng ăn và điều chỉnh nhiệt độ cũng như độ ẩm phù hợp. (Nguồn: deccanherald)
Hiện ông đang thử nghiệm một số công thức chế biến sâu gạo kết hợp với các yếu tố ẩm thực của địa phương, trước khi nộp đơn xin cấp phép lên cơ quan chức năng Kuwait.
Doanh nhân này tiết lộ đã tạo ra được 3 loại nước xốt từ sâu gạo được nhiều đồng nghiệp khen ngon. Trong khi thử nghiệm các công thức với sâu gạo, ông Buabbas cũng tiếp thị mạnh ngành kinh doanh độc đáo của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Trên thế giới, côn trùng đã trở thành món ăn phố biến. Ước tính 1.000 loài đang được đưa vào thực đơn của khoảng 2 tỷ người tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Ngoài những đồ ăn truyền thống, mì ống làm bằng dế và thức uống từ sâu bột trở thành xu hướng dinh dưỡng mới nhất tại một số thủ đô trên thế giới.
Tại đây, một số loại côn trùng được quảng bá là thực phẩm giàu dinh dưỡng thay thế cho những nguồn cung cấp protein thông thường. Một số nước Vùng Vịnh có truyền thống ăn châu chấu nướng và sấy khô. Thậm chí, một số nơi coi loại côn trùng này là “cao lương mỹ vị” dù mức độ tiêu thụ đã giảm hiện nay.
Tại châu Âu, tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã “bật đèn xanh” cho đề xuất dùng sâu bột sấy khô làm thực phẩm cho con người sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu khẳng định sâu bột an toàn đối với sức khỏe con người khi ăn.
Quyết định này là tin tốt lành đối với ngành nuôi côn trùng đang phát triển mạnh tại châu Âu.
Theo VIETNAM+