Mấy ngày nay dư luận xôn xao xung quanh tình hình giá cả tăng. Cận Tết Nguyên đán giá cả tăng như là thông lệ nhưng qua tết giá không xuống mà lại đang có chiều hướng tăng thêm khiến mọi người lo lắng. Chuyện lạm phát hay thiểu phát trong kinh tế thị trường là lẽ đương nhiên nhưng nhiều người trong chúng ta có vẻ như chưa có một tâm lý vững vàng khi đối mặt với nó. Có lẽ tâm trạng thụ động trông chờ vào sự điều phối của Nhà nước lâu nay còn ăn sâu ở không ít người.
Giá xăng dầu vừa tăng, sắp tới đến giá điện thì chắc chắn các loại giá cả khác sẽ tăng theo. Điều này đòi hỏi không những người tiêu dùng phải tính toán lại chi tiêu mà cả doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Vừa rồi, Chính phủ với trách nhiệm quản lý vĩ mô cũng đã công bố kế hoạch chống lạm phát. Việc thực hiện nó có thành công hay không còn đòi hỏi ở quá trình phối hợp của các ngành, các cấp trong xã hội nhất là từng thành viên trong cộng đồng có cùng quyết tâm thực hiện. Giá cả tăng là do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới thì thay vì ngồi than vãn chúng ta phải có kế hoạch sống chung với nó cũng giống như dân đồng bằng sông Cửu Long phải chấp nhận sống chung với lũ vậy. Giá cả tăng thì nhà quản trị sản xuất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất nếu gặp khó khăn, giá cả tăng thì người bán hàng, cơ sở vận tải tăng giá theo... nhưng giá cả tăng thì đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là người làm công ăn lương, công nhân, sinh viên, đối tượng hưu trí, chính sách... Để sống chung với nó mà không bị động trong cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tích lũy từ cá nhân cho đến hộ gia đình, giảm bớt chi phí không cần thiết, thực hiện thắt lưng buộc bụng cho qua cơn bão giá. Tuy nhiên Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể cũng cần quan tâm đến các đối tượng chịu tác động mạnh nhất là công nhân, viên chức, sinh viên để có kế hoạch hỗ trợ cần thiết vì đối tượng này có khả năng tự vệ trước lạm phát yếu nhất. Điều cần quan tâm trước tình hình lạm phát hiện nay là những nhà đầu cơ lợi dụng lũng đoạn, thao túng thị trường, đẩy giá cao bất hợp lý để kiếm siêu lợi nhuận trên sự khó khăn của người khác. Tư tưởng bi quan, suy nghĩ sai lệch khiến cho các thế lực thù địch lợi dụng kích động nhằm làm mất ổn định xã hội càng đẩy đời sống người dân thêm khó khăn hơn nữa.
Vì vậy, trước sự khó khăn tạm thời, đòi hỏi mỗi người chúng ta cần bình tĩnh, không hoang mang dao động và hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Nguyễn Huỳnh