Bình Dương linh hoạt ứng phó đại dịch Covid-19- Kỳ 2

Cập nhật: 23-10-2021 | 06:39:23

Kỳ 1: Linh hoạt thay đổi chiến thuật

Kỳ 2: Triển khai hiệu quả các trụ cột chống dịch

Tiếp tục khắc phục những “lỗ hổng” ở xã, phường, thị trấn, ngoài việc triển khai có hiệu quả hệ thống Trạm Y tế lưu động, Bình Dương còn triển khai 2 trụ cột chống dịch là phong tỏa hẹp và xét nghiệm thần tốc kết hợp với tiêm phủ vắc xin. Cách làm này đã giúp tỉnh kiểm soát tối đa sự lây lan của dịch bệnh, tránh tình trạng kiệt quệ nguồn lực và bảo đảm được “mục tiêu kép”.

Linh hoạt trong việc kết hợp xét nghiệm nhanh và tiêm vắc xin cũng đã giúp nhanh chóng “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Trong ảnh: Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một

Từ phong tỏa rộng đến phong tỏa hẹp

Quay trở về đợt dịch bệnh thứ 3, sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên trong cộng đồng tại ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo (ngày 29-1- 2020), tỉnh tiến hành phong tỏa 388 hộ với 1.501 người dân thuộc ấp Cà Na. Nằm trong chuỗi lây nhiễm này, TP.Thủ Dầu Một cũng phong tỏa hơn 500 hộ dân với hơn 10.000 người tại khu phố 5, khu phố 7, khu phố 3 phường Phú Hòa vì có liên quan tới BN1843 là sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Trong đợt dịch này, chiến thuật phong tỏa rộng được tỉnh áp dụng. Khi xuất hiện một ca F0 tại khu phố thì cả huyện, thị, thành phố thậm chí cả tỉnh phải xoay sở. Thực tế chống dịch cho thấy việc phong tỏa diện rộng toàn bộ ấp, khu phố khi phát hiện 1 hoặc vài ca F0 là không phù hợp bởi nhiều người dân không tiếp xúc với ca bệnh nhưng vẫn bị phong tỏa. Việc này đã làm tăng gánh nặng cho xét nghiệm tầm soát, tăng áp lực chăm lo, cung ứng thực phẩm cho số đông hộ dân và gây mệt mỏi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như người dân sống trong khu phong tỏa.

Có được bài học kinh nghiệm quý báu từ đợt dịch thứ 3, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh xác định ngay “nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó” tức là phong tỏa hẹp để không làm ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vào thời điểm đỉnh dịch, toàn tỉnh thiết lập gần 1.200 khu vực phong tỏa với hơn 140.000 người. Điển hình của phong tỏa hẹp phải kể đến TP.Dĩ An. Xác định bệnh nhân BN7554 có yếu tố dịch tễ liên quan đến một số hộ trong khu dân cư An Phát, khu phố Tân Phú 2, lãnh đạo phường Tân Bình mạnh dạn đưa ra quyết định chỉ phong tỏa 2 hộ gia đình, 5 nhân khẩu trên đường Bùi Thị Xuân. Dù phạm vi phong tỏa hẹp, chỉ 2 hộ gia đình nhưng phường Tân Bình đã kiểm soát tối đa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, không bị đứt gãy.

Có được những căn cứ từ thực tế trên nên khi tỉnh thực hiện tăng cường giãn cách tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên, tỉnh chỉ áp dụng cho 15 phường mà không thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, thị xã hoặc toàn tỉnh. Lý giải vấn đề này, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Dịch bệnh đã ngấm khá sâu ở 15 phường tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên nên tỉnh quyết định dùng biện pháp mạnh “khóa chặt”, “đông cứng”. Các địa phương khác thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kết hợp với mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” tại các doanh nghiệp. Cách làm này khó cho người chống dịch nhưng trên bình diện chung lại giúp giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa, kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân; đồng thời tiết kiệm nguồn lực xã hội, tránh tình trạng kiệt quệ, dẫn đến hệ lụy an sinh xã hội”.

Vừa xét nghiệm thần tốc vừa tiêm phủ vắc xin

Cùng với việc thực hiện phong tỏa hẹp hiệu quả hơn, tỉnh còn quyết liệt triển khai “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt. Tỉnh tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc tăng cường giãn cách. Xét nghiệm không thể phát hiện hết F0 nhưng sẽ “quét” ra được một tỷ lệ ca mắc nhất định, đồng thời xác định F0 đang ở đâu để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện phương châm xét nghiệm “không dừng, không chậm trễ” tại những “vùng đỏ đậm đặc F0”, tỉnh phát hiện tỷ lệ ca mắc chiếm tới 12% trên tổng số dân. Đặc biệt ở khu vực nhà trọ, các ổ dịch phát hiện ca mắc chiếm tới 15% tổng số dân như tại TP.Thuận An và TX.Tân Uyên.

Trong đợt dịch thứ 4, Bình Dương thay đổi từ phong tỏa rộng sang phong tỏa hẹp. Trong ảnh: Một khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại TP.Dĩ An

Để đạt mục tiêu làm sạch địa bàn trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, tỉnh kiên trì xét nghiệm nhiều lần để “nhặt” F0 và tiến hành xét nghiệm toàn bộ người dân bằng test nhanh mẫu gộp theo “công thức 1,3,5”. Trên tinh thần không chạy sau dịch, các địa phương còn linh động điều chỉnh tần suất tầm soát F0 theo “phương án 1,2,3,4” để đuổi kịp tốc độ lây lan của biến chủng Delta mới của vi rút SARS-CoV-2. Nhằm đáp ứng năng lực xét nghiệm thần tốc, trả kết quả trong vòng 24 giờ, tỉnh kiện toàn 600 bàn lấy mẫu tại chỗ và cơ động cùng 12 máy xét nghiệm RT-PCR hiện có với năng lực xét 100.000 mẫu đơn/ ngày kết hợp với xã hội hóa.

Ngoài ra, tỉnh còn huy động lực lượng lấy mẫy test nhanh kháng nguyên với 176 người/ ngày có thể test nhanh cho khoảng 88.000 người/ngày. Với năng lực này, khi triển khai lấy mẫu, tỉnh chia nhỏ các địa điểm lấy mẫu, sử dụng xe máy đến tận gia đình lấy mẫu hoặc mời lần lượt từng hộ đến trung tâm văn hóa, văn phòng khu phố, ấp để lấy mẫu. Bằng cách làm này, thống kê trong 4 tháng của đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh đã lấy mẫu cho gần 14 triệu lượt người. Sự kiên trì xét nghiệm, triển khai 3 giải pháp trụ cột, đến nay tỷ lệ ca dương tính phát hiện giảm đáng kể. Từ chỗ phát hiện trên 4.000 ca mắc/ngày, đến nay chỉ còn khoảng 500 ca/ngày.

Tận dụng thời gian vàng khi tăng cường giãn cách tại 15 phường “vùng đỏ đậm đặc”, tỉnh chủ trương thực hiện chiến lược “2 trong 1”, vừa tiến hành xét nghiệm diện rộng “nhặt” F0 vừa kết hợp tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để thu hẹp các vùng nguy cơ, mở rộng “vùng xanh” an toàn. Nếu người dân có kết quả test nhanh âm tính sẽ được tiêm vắc xin tại chỗ. Để bảo đảm yêu cầu thần tốc, tỉnh huy động 450 đội tiêm chủng tăng tốc độ tiêm phủ vắc xin với công suất 250.000 mũi tiêm/ ngày kết hợp với nhập liệu. Có thời điểm, chỉ trong vòng 3 ngày triển khai, toàn tỉnh đã tiêm hết 750.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Nói về chiến lược này, ông Võ Văn Minh khẳng định: “Vừa xét nghiệm thần tốc vừa tiêm phủ vắc xin được coi là 2 mũi giáp công chiến lược để tỉnh khống chế dịch bệnh tại 15 phường “vùng đỏ đậm đặc F0” trong thời gian nhanh nhất, sớm đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới”.

Có thể thấy việc linh hoạt trong phong tỏa, xét nghiệm và tiêm vắc xin trong từng thời điểm, từng địa bàn và từng đối tượng đã giúp tỉnh kiểm soát tối đa sự lây lan của dịch bệnh, tránh tình trạng kiệt quệ nguồn lực và bảo đảm được “mục tiêu kép”. (Còn tiếp)

 Cùng với việc thực hiện phong tỏa hẹp hiệu quả hơn, tỉnh còn quyết liệt triển khai “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt. Tỉnh tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc tăng cường giãn cách. Xét nghiệm không thể phát hiện hết F0 nhưng sẽ “quét” ra được một tỷ lệ ca mắc nhất định, đồng thời xác định F0 đang ở đâu để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết
Tags
SARS-CoV-2

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=623
Quay lên trên