Bình Dương trách nhiệm, nghĩa tình- Kỳ 10

Cập nhật: 20-09-2021 | 07:30:10

Kỳ 9: Tình người lan tỏa

Kỳ 10: Hướng về người lao động

Trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, hàng trăm ngàn công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền. Mỗi ngày trôi qua, hàng chục, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được các cấp tiếp nhận, phân chia đến từng con hẻm, khu trọ trong toàn tỉnh, khó quy ước thành một con số bằng tiền cụ thể, chỉ biết đó là số nhiều, rất nhiều.

Ấm lòng người khó khăn

Tại con hẻm nhỏ nối thông với đường Lê Hồng Phong (khu phố 8, phường Phú hòa, TP.Thủ Dầu Một), ngày 17-9, bà Sáu đẩy chiếc xe đạp ra đường sau nhiều tháng không dùng, trên tay cầm theo giấy thông hành (giấy chứng nhận đã tiêm ngừa 1 mũi Covid-19), cử chỉ của bà cho thấy phấn khởi vô cùng. Không riêng gì bà Sáu, nhiều người dân đã cảm nhận được một bầu không khí đầy sức sống đang dần hiện rõ sau thời khắc khó khăn nhất mà mỗi cư dân phải đi qua.

Tiền hỗ trợ chính sách được chuyển đến tay người ở trọ

Bà Sáu (Lê Thị Sáu, người Cà Mau), đến Bình Dương sinh sống bằng nghề phụ quán ăn, tối thì đi giữ xe cho một cửa hàng. Không biết gia cảnh như thế nào, mọi người chỉ biết bà có người con gái đã đi lấy chồng ở Vũng Tàu, để lại cho bà đứa cháu trai 5 tuổi sống cùng trong căn nhà trọ. 2 bà cháu đùm bọc, sống qua ngày với đồng lương ít ỏi. Dịch bệnh ập đến, bà mất việc làm khi trong túi chỉ còn đúng vài triệu, nên đứng ngồi không yên. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, UBND tỉnh ban hành văn bản quy định về việc người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường, các chốt kiểm soát dịch bệnh dựng lên khắp nơi, cũng là lúc bà không dám chi tiêu nhiều vì phải để dành tiền đóng nhà trọ. Thương cho hoàn cảnh, chủ trọ giảm cho 1 tháng được 300.000 đồng, người thì giúp ký gạo, bó rau.

 “UBND tỉnh đã có kế hoạch khôi phục sản xuất cho các huyện, thị, thành phố trong “vùng xanh” và sớm đưa các nhà máy trở lại hoạt động. Với CNLĐ tại “vùng đỏ” như TP.Thuận An, TP.Dĩ An hay một số phường thuộc TX.Tân Uyên, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục vận động các nguồn để giúp CNLĐ có đủ lương thực, nhu yếu phẩm đến ngày xanh hóa toàn tỉnh”.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

“Nhật ký” những ngày chống dịch của bà Sáu là 3 tháng bám trụ trong căn trọ chưa đầy 10m2. Nhà không có ti vi, không điện thoại thông minh, nên không biết nhiều về thông tin dịch bệnh, nhưng bà rất lo lắng, không biết tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu. Đúng thời khắc khó khăn nhất, bà được địa phương giải quyết nhanh cho nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ Nghị quyết 68 của Chính Phủ. Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi những ngày sau đó, HĐND tỉnh rồi UBND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04 và Quyết định số 12 về việc hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền lương thực cho người ở trọ và những phần nhu yếu phẩm. Với số tiền 800.000 đồng được nhận thêm, tuy không nhiều nhưng với hoàn cảnh như bà Sáu, có thể chắt chiu sinh hoạt cả tháng cho 2 người.

Trí Grab (Đoàn Xuân Trí, quê Gia lai), một thanh niên vừa tròn 23 tuổi, chưa có gia đình ở cách con hẻm nơi tôi sống không xa. Mỗi tháng chạy xe cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng để chi tiêu, sống khá thoải mái, nhưng chỉ ngồi nhà 3 tháng đã lo sốt vó tiền nhà trọ, tiền ăn. Mỗi ngày trôi qua, Trí liên tục cập nhật ca bệnh trên địa bàn. Có hôm gần đến 19 giờ mà chưa có thông tin, Trí nhắn hỏi tôi: “Hôm nay sao rồi anh, khả quan không”. Ngày nhận được 3 khoản tiền trợ cấp lao động tự do, tiền trọ, tiền thực phẩm, Trí vui mừng gọi điện: “Hôm nay vui lắm anh, nhận được hơn 2 triệu, sống được tháng”. Cũng như bà Sáu, Trí quanh quẩn trong khu nhà trọ rồi cập nhật thông tin dịch bệnh, nhẩm tính từng ngày giãn cách, mong sao dịch bệnh sớm trôi qua để trở lại công việc.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh phát lương thực cho CNLĐ

Đó chỉ là 2 trường hợp trong số hàng trăm ngàn người đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong gần 3 tháng thực hiện giãn cách. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng rồi bằng những quyết sách kịp thời của tỉnh, các nguồn hỗ trợ được triển khai nhanh chóng đến với dân. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh, cho biết: “Nhận thấy Nghị quyết số 68 có những điểm còn vướng, khó áp dụng, sở đã linh động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục để hàng trăm ngàn lao động không có giao kết hợp đồng sớm nhận được tiền hỗ trợ. Sau đó là tiền hỗ trợ nhà trọ, tiền hỗ trợ lương thực người ở trọ, hỗ trợ lương thực cho 11 phường “đông cứng, khóa chặt”, chăm lo hộ nghèo, cận nghèo... theo đúng chỉ đạo của các cấp, không để dân đói, dân thiếu ăn”.

Kịp thời hỗ trợ

Từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, khi hàng trăm ngàn CNLĐ “mắc kẹt” trong các khu nhà trọ, khu cách ly, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nhanh, nhạy tìm mọi cách để chăm lo cho công nhân của mình một cách tốt nhất có thể. Cán bộ công đoàn bất chấp ngày, đêm để vận động, tiếp nhận hàng hóa từ khắp nơi gửi về. Họ phát động, kêu gọi cả những người về hưu chung tay, góp sức làm hàng trăm ngàn hủ chà bông nghĩa tình gửi đến khu cách ly, nhà trọ. Huy động từng ký gạo, tấn rau trong dân. Thông qua điện thoại đường dây nóng, hội nhóm Zalo, Facebook của công nhân, các cấp công đoàn xâm nhập đến từng gia đình, hoàn cảnh khó khăn nhất để cung cấp các vật dụng, thực phẩm thiết yếu.

Bên cạnh nhận được các khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và các hỗ trợ chính sách tiền thuê nhà trọ, lương thực trong những ngày giãn cách, CNLĐ còn nhận được hỗ trợ khác theo quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đó là chi hỗ trợ cho công nhân bị F0, F1, F2, hỗ trợ tiền ăn cho lao động “3 tại chỗ”. LĐLĐ tỉnh đã giúp đỡ hàng trăm trường hợp từ Quỹ hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Từ những khoản chi hỗ trợ phần nào đã giúp được hàng trăm ngàn lao động từng bước đi qua những ngày dịch bệnh khó khăn nhất.

Chị Nguyễn Thúy Loan, quê Quảng Bình, công nhân Công ty Bungkook Sài Gòn 2, cho biết chị đã có gia đình và 2 đứa con. Mấy năm nay, chị để con ở nhà cho chồng chăm, để các cháu có điều kiện ăn ở, học tập. Mỗi tháng nhận được 6 - 7 triệu đồng tiền lương, trừ các khoản chi tiêu, gửi về cho chồng được 3 triệu đồng nuôi con. Tháng nào không làm, xem như cháy túi. “3 tháng thực hiện giãn cách chỉ nằm phòng trọ, tôi sống nhờ vào tiền hỗ trợ chính sách và các phần quà, lương thực từ các cấp cách chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp công đoàn. Khó khăn không kể hết, nhưng nay đã được tiêm vắc xin, công ty đã có kế hoạch làm việc trở lại trong thời gian tới, tôi thực sự vui mừng”, chị Loan tâm sự.

Có thể nói những ngày qua, bằng trách nhiệm của lãnh đạo các cấp chính quyền trong tỉnh, cùng sự chung tay đóng góp bằng cả tấm chân tình của bà con trong và ngoài tỉnh, người Bình Dương đã từng bước đi qua thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh và đang hướng đến những ngày tươi sáng hơn. (Còn tiếp)

Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Nghị quyết 04 HĐND tỉnh, Quyết định 12 UBND tỉnh về việc hỗ trợ chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay, toàn tỉnh đã chi hỗ trợ cho 3.121.192 lượt trường hợp, với số tiền gần 1.741 tỷ đồng. Riêng đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, số đơn vị được giảm mức đóng là 14.386 đơn vị, với 1.019.802 lượt lao động, số tiền là 475,35 tỷ đồng.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên