Một khu du lịch tại thành phố Phan Thiết với tầm nhìn tuyệt đẹp ra biển Hàm Tiến.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Thuận ghi nhận những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng khá ấn tượng của ngành Du lịch. Từ đà phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng năm 2022, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 2-9, ngành du lịch Bình Thuận cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và lên phương án “dồn sức” thu hút du khách vào những tháng cuối năm.
Du lịch nội địa nhộn nhịp
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, nhất là qua các kỳ nghỉ lễ dài ngày như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, 30-4 và 1-5, 2-9, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có sự tăng trưởng trở lại, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế tại địa phương.
Nổi bật, mùa hè năm 2022 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ nhất của ngành du lịch Bình Thuận khi nhiều địa phương, đơn vị đều thu hút lượng khách đông như Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong, Phú Quý…
Liên tục trong các tháng 6, 7 và 8, cao điểm của mùa Hè, lượng khách đến Bình Thuận đạt hơn 500.000 lượt/tháng, mức tăng kỷ lục từ khi có dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia du lịch, ngoài yếu tố thời tiết, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau thời gian dài vì đại dịch, sức hút của môi trường thân thiện, nhất là trong những dịp cao điểm, lễ, Tết chính là điểm thu hút khách đến với Bình Thuận.
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ngày càng nhiều. Đến nay, hầu hết các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch đã hoạt động trở lại.
Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và chương trình kích cầu, tạo đà cho du lịch nội địa tăng trưởng. Hoạt động du lịch hè, giải thể thao quốc gia, Chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế quân… là những sự kiện “hút khách” đến Bình Thuận.
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đón gần 4 triệu lượt khách, đạt 89% kế hoạch năm; trong đó, khách nội địa chiếm tỷ lệ lớn.
Thị trường khách nội địa đến Bình Thuận tập trung ở các tỉnh, thành phố lân cận và khu vực phía Nam. Lượng khách đến tăng cao nên nhiều khách sạn, nhà hàng, dịch vụ lưu trú và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch hoạt động nhộn nhịp.
Tổng thu ngành du lịch có những biến chuyển tích cực. Từ đầu năm đến nay, doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 9.200 tỷ đồng, đạt hơn 86% kế hoạch.
Trong thời gian này, có hai dự án du lịch mới được chấp thuận đầu tư tại Bình Thuận. Lũy kế, toàn tỉnh có 383 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 68.800 tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đi vào hoạt động.
Chuẩn bị cho cao điểm khách trú đông
Tính chung trong 9 tháng năm 2022, Bình Thuận đón 51.500 lượt khách quốc tế, tăng 2,44 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao nhất vẫn là thị trường khách châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mặc dù, lượng khách tăng trưởng qua mỗi tháng nhưng lượng khách quốc tế đến Bình Thuận chỉ đạt 24,5% so với kế hoạch năm. Thị trường khách thường xuyên như Nga, Trung Quốc vẫn còn ở mức thấp so với những năm chưa xảy ra dịch bệnh.
Với kỳ vọng những tháng cuối năm, dòng khách trú đông quay trở lại và thị trường khách quốc tế sẽ “ấm lên,” các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bình Thuận đang chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất cũng như làm mới sản phẩm, dịch vụ để có thể tổ chức đón khách du lịch quốc tế, khai thác hiệu quả mùa cao điểm du lịch quốc tế (mùa trú đông, đón Giáng sinh, năm mới 2022).
Theo một số cơ sở lưu trú tại thành phố Phan Thiết, thường khách quốc tế sẽ vào từ tháng 10, cao điểm là từ tháng 11. Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường khách quốc tế có nhiều thay đổi.
Khách từ các thị trường Đông Âu, Tây Âu giảm sút. Vì vậy, các đơn vị linh hoạt xây dựng phương án, kết nối với đơn vị lữ hành đón khách nhiều thị trường khác nhau.
Để phục vụ khách trú đông năm nay, đa phần các cơ sở lưu trú, resort tại thành phố Phan Thiết đều chú trọng xây dựng dòng sản phẩm du lịch chăm sóc, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe Wellness với gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách.
Đại diện Victoria Phan Thiết resort cho biết trước dịch, thị trường khách quốc tế chính là khách đến từ Nga và Pháp. Sau dịch và bối cảnh chung của thế giới, đơn vị chuyển hướng sang đón khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và khách châu Âu sống, làm việc tại Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã có 800 booking (đặt chỗ) của khách quốc tế, chủ yếu là khách Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ngoài ra, khách ở một số nước châu Âu như Canada bắt đầu quay trở lại. Đó là tín hiệu khả quan cho mùa đông năm nay. Lượng khách đặt chỗ từ tháng 10 tới tháng 12 chiếm đa số, còn tháng 1 và tháng 2 năm sau chưa nhiều.
Đơn vị đã thiết kế gói combo “Winter promotion” gồm 2 đêm nghỉ dưỡng, tặng kèm món ăn và voucher, giảm giá 10% dịch vụ ăn uống trong suốt kỳ nghỉ.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết bên cạnh công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến, các doanh nghiệp chú trọng gia tăng chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du khách.
Đặc biệt, sau 2 năm dịch bệnh, chất lượng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng. Vì vậy, Hiệp hội liên kết với các trường, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng, thái độ ứng xử cho người lao động, nhất là đội ngũ cấp trung.
Để hoàn thành mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách trong năm nay, tạo đà cho việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2023, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khôi phục thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Bình Thuận tập trung triển khai giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đa dạng các loại hình, sản phẩm dành cho khách nội địa, trong đó chú trọng dòng khách MICE (du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo) có chi tiêu cao trong dịp cuối năm./.
Theo TTXVN