Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh: Giá trị vượt thời gian

Cập nhật: 12-09-2020 | 07:27:05

“Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” gồm 23 hiện vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phú Chánh đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Bộ sưu tập không chỉ chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, mà còn là những tư liệu gốc để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống xã hội của người Việt xưa trên đất Bình Dương...


Hiện vật tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Phú Chánh, trong đó có hiện vật của “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Niên đại hàng ngàn năm

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh được phát hiện tại di tích khảo cổ thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên). Di tích khảo cổ Phú Chánh được phát hiện từ năm 1995. Tại di tích này, vào các năm 1995, 1998 và 1999, nhà khoa học đã phát hiện chiếc 3 trống đồng Phú Chánh. Trước các phát hiện trống đồng liên tiếp tại Phú Chánh, tháng 11-2000, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trước đây là Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) tiến hành khai quật di tích Phú Chánh. Kết quả từ đợt khai quật này đã phát được thêm 1 trống đồng và 3 chum gỗ cùng rất nhiều di vật có giá trị khác, trong đó có bộ dụng cụ dệt bằng gỗ.

Nhằm nghiên cứu sâu hơn về di tích Phú Chánh, tháng 4-2001, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành một cuộc khai quật tại khu vực Phú Chánh và thu được thêm nhiều di vật tùy táng, trong đó có các dụng cụ dệt. Nhằm khẳng định thêm giá trị của di tích khảo cổ và những di vật phát hiện tại di tích này, tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc tọa đàm khoa học, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu về khảo cổ học, văn hóa học, dân tộc học. Từ những hiện vật thu được qua các cuộc khai quật, các nhà khoa học đã khẳng định “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.

Chứa đựng nhiều giá trị

Theo ông Lê Văn Phước “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” chứa đựng rất nhiều giá trị quý hiếm. Đầu tiên đó là giá trị về tính độc bản. Những hiện vật của bộ sưu tập này được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Đây là hiện vật gốc còn nguyên vẹn nằm trong tầng văn hóa ổn định tại di tích khảo cổ duy nhất có ở Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” còn mang tính độc đáo. Đây chính là dụng cụ dệt cổ xưa bằng gỗ được chế tác dưới dạng đồ tùy táng chôn theo người chết. Qua các cứ liệu lịch sử, có thể khẳng định đây là những kết cấu của loại khung dệt theo kiểu ngồi gấp gối, mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Riêng về chất liệu gỗ, khó có thể tìm được những di vật bằng gỗ cách ngày nay hơn 2.000 năm ở những khu vực khác ở Nam bộ còn tương đối nguyên vẹn như ở Phú Chánh...


Những hiện vật trong “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh”

Về giá trị lịch sử, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” có giá trị lịch sử khi được tìm thấy trong lòng đất. Qua kết quả khai quật khảo cổ, nơi đây được xác định là một di chỉ cư trú và mộ táng của cư dân cổ. Đặc biệt “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” được phát hiện cùng với nhóm các di vật khác, gồm: 4 trống đồng Đông Sơn, gương đồng thời Tây Hán và loại hình chum mai táng bằng gỗ. Tại đây đã phát hiện mộ chum gỗ có nắp trống đồng, mộ chum gỗ có nắp nồi gốm và mộ huyệt đất chèn xác cau hoặc mộ huyệt đất tròn nén đất sét, cùng với nhiều loại hình hiện vật độc đáo khác, như: Nồi vò gốm và cốc gốm chân cao... Từ đó khẳng định, phát hiện khảo cổ học trong di tích Phú Chánh cho thấy giá trị khoa học và lịch sử độc đáo của vùng đất Bình Dương trong lịch sử. Trong đó nổi bật nhất là táng thức mới độc đáo và hiện vật chôn theo thể hiện một mối giao lưu văn hóa có diện rất rộng với văn hóa cổ giữa khu vực Đông Nam bộ với các di tích đồng đại thuộc văn hóa Đồng Nai, táng thức mộ chum có cảm hứng từ văn hóa Sa Huỳnh dọc duyên hải miền Trung, cốc chân cao từ quan hệ truyền thống với văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ và trống đồng từ văn hóa Đông Sơn rực rỡ của người Việt cổ. “Đó chính là cứ liệu góp phần cho các nghiên cứu lịch sử của vùng đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung và cũng là giá trị khoa học lịch sử căn bản để xác định giá trị bộ dụng cụ dệt phát hiện trong các mộ táng tại khu di tích mộ táng Phú Chánh trên đất Bình Dương”, ông Phước nói.

Qua các di vật bằng gỗ, còn có thể khẳng định cư dân cổ ở đây đã có kỹ thuật đục đẽo gỗ điêu luyện. Điều đó cho thấy sự phát triển khá cao của nghề thủ công chế tác gỗ trong cộng đồng này. Đặc biệt, đó là sự xuất hiện của nghề dệt vải với các thiết bị dệt tiệm cận với kỹ thuật dệt ở trình độ cao. Những mảnh vải có màu đầu tiên được phát hiện trong di tích Phú Chánh thể hiện sự phát triển cao của xã hội thời bấy giờ. Nghề dệt được phát hiện trong các di tích cù lao Rùa - Dốc Chùa với các di vật dọi xe sợi bằng gốm, đến di tích Phú Chánh với các thiết bị dệt bằng gỗ là một quá trình phát triển gần 1.000 năm. Điều này minh chứng rằng, nghề dệt ở vùng đất Bình Dương là một quá trình chứ không bị ngắt đoạn từ sau Dốc Chùa. Từ đó, có thể thấy rằng, Bình Dương là trung tâm của nghề dệt trong tiến trình khai phá vùng đất Nam bộ xưa... “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” là những hiện vật có giá trị văn hóa, thẩm mỹ khi chúng góp phần thể hiện đời sống của cư dân cổ ở Phú Chánh, Bình Dương. Qua đó, cũng có thể khẳng định rằng cư dân Phú Chánh xưa đã có một cuộc sống vật chất khá cao. Cuộc sống văn minh hiện hữu tại nơi này từ hơn 2.000 năm trước.

Ngoài những giá trị trên, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt khoa học bởi chúng chính là tư liệu gốc cho các ngành khoa học khác nghiên cứu, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây là tư liệu khảo cổ rất mới trong các nghiên cứu về sinh hoạt, sản xuất của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam bộ, cho thấy sự tiến bộ về kỹ thuật của cư dân cổ. Những hiện vật này đã góp phần đem lại những nhận thức mới về đời sống của cộng đồng cư dân cổ trên vùng đất này.

Hy vọng, với những giá trị quý báu chứa đựng trong những hiện vật của “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh”, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có thêm một bảo vật quốc gia.

Ông Lê Văn Phước khẳng định những hiện vật của “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và rộng hơn là khu vực Nam bộ và Việt Nam. Trong thời gian qua, Sở VHTT&DL và Bảo tàng tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm khai thác giá trị của những hiện vật này. Một số hiện vật trong bộ sưu tập đã được trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh. Bảo tàng tỉnh cũng tiến hành lập hồ sơ để tham mưu Sở VHTT&DL trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật để trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2473
Quay lên trên