“Bó tay” với giá sữa!

Cập nhật: 11-03-2014 | 00:00:00

Chỉ trong vòng khoảng 3 tháng, đồng loạt các loại sữa trên thị trường tăng giá đến mức “chóng mặt”! Điều đáng nói là hầu hết các hãng sữa chiếm phần lớn thị phần tại Việt Nam đều tăng giá. Từ thực tế đó, câu hỏi được đặt ra rằng, liệu có chăng một sự “bắt tay” nhau để trục lợi, để “móc túi” khách hàng? Trả lời cho câu hỏi này và để bình ổn thị trường, không ai khác mà chính hai ngành liên quan là tài chính và công thương phải vào cuộc.

Trước đòi hỏi khách quan đó, liên bộ Tài chính, Công thương đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh tra giá sữa tại 5 hãng sữa lớn tại Việt Nam. Kèm theo đó là công văn gửi các ngành hữu quan các địa phương để tăng cường công tác quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn.

Kết quả thanh tra ra sao chưa có hồi kết bởi chưa có kết luận nào được đưa ra. Chỉ biết rằng, giá sữa trên thị trường vẫn “giữ vững” ở tầm cao! Người tiêu dùng dù nghi ngờ giá cao bất hợp lý nhưng vẫn phải chấp nhận tiêu dùng nếu không muốn con em mình “suy dinh dưỡng”. Và, không ít người tiêu dùng không mấy tin tưởng giá sữa sẽ giảm sau thanh tra.

Dường như các “đại gia” ngành sữa không mấy lo lắng dù có bị thanh tra, kiểm tra. Không nói đâu xa, ngay tại Bình Dương, địa bàn có ba công ty sữa lớn đứng chân nhưng ngành quản lý cũng rất khó để kiểm tra giá cả, hoặc có kiểm tra cũng cho kết quả “tăng giá là hợp lý”! Trong ba công ty này, có một đơn vị đăng ký giá với… Bộ Tài chính, một đăng ký giá với sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh. Với hai công ty này, riêng việc yêu cầu họ gửi thông báo báo tăng giá, không cần chứng minh, vậy mà họ cũng phớt lờ - một cán bộ ngành tài chính địa phương cho biết vậy. Hơn nữa, với việc quá trình kiểm tra của ngành chức năng địa phương hoàn toàn dựa vào báo cáo của chính doanh nghiệp đó đưa ra, vậy nên “giá tăng hoàn toàn hợp lý” cũng chẳng có gì là lạ!

Câu chuyện quản lý thị trường dường như là “chuyện dài nhiều tập” mà vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu nào được đưa ra, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu. Người tiêu dùng có cảm giác rằng, ngành quản lý thường xuyên phải “chạy theo” thị trường mỗi khi có “sự cố”. Nói vậy là có cơ sở qua mức giá hỗn loạn khó kiểm soát của thuốc chữa bệnh, giá gas, giá sữa diễn biến tăng thất thường nhiều năm qua. Và, mọi lý giải được đưa ra từ doanh nghiệp là luôn luôn phù hợp. Chỉ biết rằng, phần thiệt bao giờ cũng thuộc về người tiêu dùng!

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên