Việc quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay được cho là một giải pháp phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế. Theo đó, khoảng 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế, giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Nới room tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp cần thiết. Trước hết, các chỉ số kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định, nhất là lạm phát và các tác động của nền kinh tế thế giới đang được kiểm soát tốt. Việc nới room tín dụng trong thời điểm này còn tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp cộng đồng DN có thể tiếp cận được nguồn vốn nhằm thực hiện các đơn hàng, duy trì sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm các đơn hàng mới cho năm 2023 và chăm lo đời sống công nhân lao động trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.
Thực tế cho thấy, thời gian qua trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung có nhiều bất ổn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh bởi room tín dụng bị siết lại, lãi suất tăng khá cao. Tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh mới đây, các đại biểu đại diện cho cộng đồng DN trong tỉnh cũng đã nêu vấn đề làm sao để giúp DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay, vừa để bảo đảm duy trì hoạt động, tìm cơ hội phát triển; đồng thời trả lương, chăm lo, giữ chân người lao động dịp cuối năm. Do đó, khi nới room tín dụng, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có điều kiện để tăng cường huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, từ đó có thêm điều kiện cung cấp vốn cho các DN có nhu cầu. Đây còn là một giải pháp kịp thời, phản ánh sự điều hành vĩ mô một cách linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội phát triển, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy vậy, theo các chuyên gia việc nới room tín dụng cũng cần phải bảo đảm cho nguồn vốn đi đến đúng các điểm cần đến. Đó là dòng vốn cần phải được đưa vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế…
ĐÀM THANH