Cả xã hội cùng tham gia phòng chống tham nhũng

Cập nhật: 08-11-2010 | 00:00:00

Mấy hôm nay nghị trường của kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XII ngày càng trở nên sôi động hơn bởi những vấn đề thời sự nóng bỏng được đem ra luận bàn, trong đó có vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN).

Mặc dù theo đánh giá chung, tình hình an ninh xã hội trong năm 2010 được bảo đảm, cả nước giữ vững ổn định được an ninh chính trị... nhưng nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn tỏ ra chưa hài lòng về một số chỉ số khác. Bởi, theo báo cáo được cho là khá chính xác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp hơn với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhưng việc phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh PCTN... Trong khi đó, theo số liệu dẫn từ báo cáo của Chính phủ, năm 2010 số vụ tham nhũng trong cả nước giảm 31,6% so với năm trước là không thuyết phục vì “nhiều con đường vừa làm xong đã hỏng, nhiều công trình đầu tư bằng vốn ngân sách đắt gấp đôi nếu để dân làm mà không bảo đảm chất lượng...”, “số vụ tham nhũng giảm là vì tham nhũng không còn, không phát hiện được, không dám phát hiện”... Vì vậy công tác PCTN “nói phải đi đôi với làm”, nếu không “dân sẽ hoài nghi với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nguy hiểm hơn, xã hội sẽ bàng quan, vô cảm, chấp nhận chung sống hòa bình với tham nhũng”.

Và để làm tốt công tác PCTN nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội khóa tới cần khẩn trương sửa đổi Luật PCTN, nhất là các điều khoản về công khai, minh bạch tài sản vì “Luật hiện hành chỉ yêu cầu kê khai nhưng không công khai thì làm sao chống... Chức càng to càng phải công khai. Nếu không thì trả lời làm sao khi một cán bộ thường mà có cả trăm héc-ta đất, sở hữu những biệt thự triệu đô”...

Không chỉ ở nghị trường Quốc hội tận Hà Nội, mà ở tỉnh ta thời gian gần đây cử tri cũng rất quan tâm tới công tác PCTN nên trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh và các huyện, thị nhiều cử tri đã đề nghị các ngành, các cấp cần có những biện pháp thiết thực hơn trong công tác đấu tranh PCTN - điều đó cho thấy cả xã hội đang cùng quan tâm đến vấn đề PCTN, đặc biệt là hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra. Một số ĐBQH cho rằng trình độ, năng lực của cơ quan PCTN chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. phải chăng công tác PCTN của ta thoái trào... Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo PCTN TP.HCM thì: “Tham nhũng mà xảy ra thì không những Nhà nước bị thiệt hại tài sản mà còn mất lòng tin trong nhân dân và cả trong mắt quốc tế... Phải ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết với nạn tham nhũng. Cán bộ, từ người giữ vai trò trọng trách chủ chốt đến các vị trí khác nhau đều phải giữ mình. Nếu chúng ta mất cảnh giác, không rèn luyện bản lĩnh thì dễ sa vào bẫy của nạn tham nhũng”.

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên