“…Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”…
Bài học sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta dù đã mấy mươi năm trôi qua và mãi mãi vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đã cho thấy vai trò, vị trí của nhân dân là vô cùng quan trọng quyết định mọi thắng lợi, thành công trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hay xây dựng, phát triển đất nước. Bởi, có làm tốt công tác dân vận (CTDV) ta mới động viên được các nguồn lực tiềm tàng trong nhân dân, mới khoan được sức dân…
“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”- Bác đã dạy chúng ta như vậy. Mục đích của dân vận là để góp phần tạo thành sức mạnh toàn dân và để thực hành những nhiệm vụ chính trị của cả dân tộc trong các thời kỳ của cách mạng. Đó là kháng chiến để giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, kiến quốc để dân giàu, nước mạnh, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong những năm tháng đấu tranh ác liệt với kẻ địch để bảo vệ quê hương, nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nhiều người dân trong cả nước và trong tỉnh đã trở thành cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, nhiều gia đình đã cống hiến cho kháng chiến hết người con này đến người con khác, sẵn sàng bỏ vườn không nhà trống để vào chiến khu trường kỳ kháng chiến, sẵn sàng ủng hộ tiền bạc, của cải, thuốc men, lương thực, thực phẩm để giúp cho cách mạng… Những năm tháng ấy, dù có mất mát, hy sinh, dù bị địch bắt bớ, tù đày… vẫn không làm nao núng tấm lòng của biết bao người dân yêu nước, bởi mục tiêu cao cả họ hướng đến là: độc lập tự do cho quê hương, cho dân tộc.
Khi đất nước hòa bình và đang trong giai đoạn đổi mới hiện nay, CTDV của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong cả nước và trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các thành viên trong hệ thống đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với chính quyền đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và vận động tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng, nêu gương điển hình dân vận khéo… góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và điển hình tiêu biểu như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chung sức xây dựng nông thôn mới... Hay các mô hình “Đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân trong các khu nhà trọ”; xây dựng các câu lạc bộ “Phòng chống tội phạm”, “Vì tương lai bạn bè”, vận động người dân đồng thuận, đồng lòng trong việc di dời, tạo điều kiện cho những công trình dân sinh, công trình hạ tầng sớm được thi công, đưa vào sử dụng…
Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì phải thực hiện tốt phương châm: “Gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” - bởi có làm thường xuyên và làm tốt công tác vận động quần chúng mới giúp cho nhận thức và hành động của người dân ngày càng chuyển biến tích cực hơn, là cơ sở để chúng ta thúc đẩy các phong trào thi đua của các ngành, các cấp, các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà một cách hiệu quả, nhất là khi CTDV được gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, CTDV cần được đẩy mạnh với nội dung phương thức phù hợp, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
VÕ HƯƠNG