Cấm chơi game từ 22 giờ đến 8 giờ sáng: Doanh nghiệp kinh doanh game phản ứng!?

Cập nhật: 18-05-2010 | 00:00:00

5 giờ sáng, đi bộ tập thể dục, ngang qua mấy điểm truy cập internet, game vẫn còn thấy sáng đèn. Mấy chiếc xe đạp “leo núi” xếp bên ngoài cửa tiệm được khóa cẩn thận. Nhìn qua khe cửa khép, đích thị là mấy cậu tuổi học trò đang miệt mài dán mắt vào màn hình nhưng không giấu được vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi. Một vài em bật ngửa ra ghế hay gục mặt xuống bàn... ngon giấc. Tôi quay sang hỏi anh bạn đi chung: Không biết con cái nhà ai, cha mẹ gia đình quản lý thế nào mà đến nỗi? Anh bạn tôi im lặng, lắc đầu.

Trò chơi trực tuyến (game online), từ ý tưởng ban đầu như là một thú tiêu khiển để giải trí, giết thời gian và giảm stress. Theo thời gian nó đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, một hình thức văn hóa tương tác với những loại hình nghệ thuật và các phương tiện truyền thông khác. Không thể phủ nhận những mặt tích cực từ game online như: luyện cho người chơi khả năng quan sát nhạy bén, khả năng phản ứng nhanh nhạy, khả năng tập trung cao độ... Nhưng, bên cạnh đó là những tác hại khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy, suy nghĩ của giới trẻ. Thời gian dành cho công việc học tập đã bị “chiếm đoạt” bởi những trò chơi game. Các bậc cha mẹ học sinh ai cũng nơm nớp lo sợ con mình “dính” phải game online. Thêm vào đó, “những cuộc chiến bạo lực” trong game đã ảnh hưởng khá lớn đến hành động của tuổi trẻ. Các “fan game” ham chơi không kể ngày đêm, bán sức lực và tiền của đổ vào những trò chơi “vô bổ”.

Không được chơi game online quá 3 giờ mỗi ngày; thu hồi giấy phép trong thời hạn một năm đối với doanh nghiệp vi phạm; tài sản ảo trong game không được quy thành tiền; cấm doanh nghiệp phát hành game từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau... Đối với những trò chơi đơn giản không hạn chế đối tượng thì doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ/ngày. Với đa số những trò chơi còn lại, doanh nghiệp cung cấp trò chơi chỉ được cho người chơi từ 8 - 22 giờ đêm. Các đại lý internet không được phép để người chơi mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 chơi game online từ 8 - 17 giờ. Thời gian chơi tổng cộng của một game thủ trong một ngày không vượt quá 3 tiếng với trò chơi không ưu tiên và 5 tiếng với trò chơi ưu tiên. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, cung cấp game online vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nội dung thông tin trên game online hay có hành vi lừa đảo, kinh doanh trái phép sẽ bị thu hồi giấy phép phát hành game online. Đây là một trong những nội dung chính trong dự thảo Quy chế quản lý trò chơi game online sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới.

Tuy nhiên, một số nội dung quy định trong dự thảo gặp phải các ý kiến phản đối của các doanh nghiệp. Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc kiểm soát giờ chơi là gây khó cho doanh nghiệp khi nhiều người chơi đâu phải lúc nào cũng có thời gian thoải mái ban ngày để chơi game. Một ý kiến nữa mà đại diện doanh nghiệp phát hành game đưa ra là liệu khi trong nước có khung giờ cấm chơi game thì người chơi sẽ chuyển sang chơi game của nước ngoài?

Đã đến lúc toàn xã hội phải vào cuộc để ngăn chặn mặt trái của game online đang hàng ngày, hàng giờ tác động không tốt đến sự phát triển tâm lý thế hệ trẻ. Trước hết, các nhà quản lý cần có những quy định, biện pháp kỹ thuật khắt khe hơn đối với lĩnh vực kinh doanh game online. Thực tế cho thấy, game online đối với các doanh nghiệp là hướng kinh doanh mới, có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, phát triển đến mức độ nào là điều cần bàn. Đối với các doanh nghiệp, tuy còn có những ý kiến phản ứng khác nhau nhưng thiết nghĩ cần có ý thức hơn trong việc tạo dựng văn hóa kinh doanh loại hình trò chơi này.

THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên