“Cẩm nang” hoạch định đường hướng phát triển

Cập nhật: 06-08-2024 | 07:10:13

Lãnh đạo chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Bình Dương vừa đón nhận tin vui quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây vừa là hành lang pháp lý, vừa là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững.

Theo quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao...

Để quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cả một chặng đường dài với sự đóng góp công sức, trí tuệ của tập thể nhiều ngành, nhiều cấp. Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, ngoài đội ngũ chuyên trách, tất cả cán bộ, viên chức các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đều được huy động cung cấp số liệu phục vụ việc xây dựng quy hoạch; nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức; nhiều diễn đàn lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đã diễn ra. Mục đích cuối cùng của các công việc nói trên là bảo đảm xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh với chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và các địa phương cả giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Quy hoạch tỉnh sẽ là “cẩm nang”, là “chìa khóa” mở ra sự phát triển bền vững của tỉnh. Dựa vào quy hoạch, lãnh đạo tỉnh có thể hoạch định đường hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, hướng tới sự phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh còn là hành lang pháp lý để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển phù hợp, đẩy mạnh phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Đơn cử, trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lãnh đạo tỉnh sẽ hoạch định việc sắp xếp, di dời các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch ở phía Bắc, từ đó dành quỹ đất để phát triển đô thị, mở rộng không gian sống xanh và phát triển các ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao.

Để quy hoạch tỉnh đi vào cuộc sống chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, đây chính là cơ sở để tin rằng Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển năng động, hài hòa và bền vững trong tương lai.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=168
Quay lên trên