Cần bảo vệ nhà báo khi hành nghề

Cập nhật: 08-04-2010 | 00:00:00

Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã có Công văn số 47 gửi UBND và Công an tỉnh Bình Dương đề nghị điều tra và xử lý nghiêm vụ việc phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương (BTV) bị nhân viên và chủ quán cà phê Carum-Kim ở ngã tư Chợ Đình hành hung khi đang tác nghiệp vào sáng 5-4. Sau khi làm việc với những người có liên quan, Công an phường Phú Hòa, TX.TDM đã chuyển toàn bộ vụ việc đến Công an TX.TDM để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Hành vi lăng mạ, cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo là vi phạm pháp luật phải được xử nghiêm, kịp thời để bảo vệ nhà báo khi họ hành nghề. Theo Điều 15 - Luật Báo chí “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng luật”. Khi nhà báo tác nghiệp là họ đang thi hành công vụ; vì vậy những hành vi trên có dấu hiệu vi phạm Điều 257 của Bộ luật Hình sự.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ cản trở, hành hung nhà báo khi đang hành nghề hợp pháp có chiều hướng gia tăng; đặc biệt khi họ đang thực hiện các đề tài phóng sự điều tra, phản ánh, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Những đối tượng xấu, có thói côn đồ khi bị phát hiện thường quyết liệt ra tay để “dằn mặt” nhà báo, bưng bít thông tin gây bất lợi cho họ. Như thế là họ đã ngang nhiên xem thường pháp luật, không thể xử nhẹ, cho qua.

Nhà báo - nhân vật trung tâm của báo chí - đang được xã hội quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Nhà báo, một giới công chức không đông, nghèo về vật chất, không có đặc quyền đặc lợi... hiện nay lại được nhiều người ưu ái, hâm mộ và cũng bị không ít kẻ căm ghét, nói xấu, thậm chí mưu hại. Đó là sự thật.

Đấu tranh với “cái xấu, cái ác” trong xã hội là điều chẳng dễ dàng. Nhà báo có sứ mạng “điều tra, phát hiện để pháp luật và các cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, chính xác, triệt để các vụ việc tiêu cực...”. Vì thế, nhà báo ngoài một số tố chất cần thiết cho nghề còn phải thẳng thắn, trung thực và dũng cảm, “say” nghề; bởi sản phẩm báo chí của họ chịu trách nhiệm với xã hội rất quan trọng, do vậy họ đặt ra yêu cầu cao về sự nghiêm minh và lẽ công bằng.

Yêu cầu xử lý nghiêm việc hành hung nhà báo là đòi hỏi chính đáng, đã được dư luận xã hội đồng tình và quan tâm theo dõi. Nói như ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Dương: “Đây là những hành vi coi thường pháp luật. Chúng tôi kiên quyết theo đuổi đến cùng vụ việc này nhằm bảo vệ các nhà báo, không chỉ của tỉnh - mà nhà báo trong cả nước đến Bình Dương tác nghiệp đều phải được pháp luật bảo vệ”.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên