Cần chế tài nặng đối với những người “ém nhẹm” thông tin

Cập nhật: 21-04-2011 | 00:00:00

Tính đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện gần 1 năm nhưng hiện vẫn chưa khống chế được và nó tiếp tục lan rộng đến 39 tỉnh, thành trong cả nước với 140.000 gia súc mắc bệnh, trong đó có 68.000 con trâu, hơn 23.000 con bò và gần 41.000 con heo. Qua đó, các địa phương đã tiến hành tiêu hủy gần 40.000 gia súc. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch xảy ra nặng nề như hiện tại một phần do sự biến đổi của vi-rút, song nguyên nhân chính vẫn là việc chủ quan, lơ là trong phòng dịch, phản ứng chậm với dịch của các địa phương và người chăn nuôi. Theo quy định, các địa phương có bệnh LMLM trong 24 ngày phải công bố có dịch nhưng một số nơi xảy ra hơn 3 tháng vẫn không công bố dịch, đến khi đoàn kiểm tra của Trung ương về làm việc buộc họ phải công bố dịch một cách miễn cưỡng.

Lý giải cho việc “ém nhẹm” thông tin của mình, nhiều địa phương cố tình không biết dịch bệnh xảy ra trên địa bàn mình, có nơi không chịu lấy mẫu gửi phân tích, hoặc có lấy mẫu nhưng gian lận để đối phó... Việc “ém  nhẹm” thông tin không công bố dịch bệnh là việc làm vô đạo đức, gây nguy hiểm cho cả cộng đồng dân cư rộng lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho con người do gia súc truyền sang qua ăn uống và tiếp xúc mà nó còn gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí do người dân vứt bỏ bừa bãi hoặc buộc phải tiêu hủy tập trung hàng ngàn con.

 Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều địa phương “giấu dịch” là do bệnh thành tích gây ra. Trên thực tế, bệnh thành tích  hiện vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp như làm ít báo cáo nhiều, không làm nói có làm, kinh doanh lỗ báo có lãi...

Cũng liên quan đến vấn đề “ém nhẹm” thông tin, thời gian gần đây dư luận xôn xao về việc hãng xe hơi nổi tiếng thế giới Toyota buộc phải “triệu hồi” hơn 73.000 xe hơi về để sửa chữa do lỗi áp suất dầu phanh bánh sau cao hơn tiêu chuẩn, bu lông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực xiết, xiết bu lông Camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn; đồng thời công khai xin lỗi người tiêu dùng. Để có được lời xin lỗi ấy, đó là một quá trình gian nan và thử thách, thậm chí còn bị đe dọa đối với một kỹ sư đang làm việc tại hãng ô tô này. Trong suốt nhiều tháng liền, anh kiên trì đấu tranh qua nhiều hình thức khác nhau như chỉ ra những lỗi của xe tại các cuộc họp cấp phòng, cấp công ty và gửi thư cho Tổng Giám đốc công ty... nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả do những người có trách nhiệm “ém nhẹm” thông tin. Song nhờ dư luận, cũng như sự xuất hiện của báo chí đi đến cùng sự việc và cuối cùng Toyota phải công nhận lỗi của mình.

Việc Toyota cố tình “ém nhẹm” thông tin là việc làm vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng và người tham gia giao thông vì ai cũng biết hệ thống phanh là bộ phận cực kỳ quan trọng đối với sự vận hành an toàn của xe. Trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra gây bao đau khổ cho nhiều gia đình cũng liên quan đến hệ thống phanh của xe ô tô.

Trước thực trạng “ém nhẹm” thông tin xảy ra ngày càng phổ biến liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều doanh nghiệp... để ngăn chặn tình trạng này, nhất thiết Nhà nước cần sớm ban hành văn bản pháp quy chế tài thật nặng những đối tượng cố tình “ém nhẹm” thông tin nhằm răn đe và đi đến chấm dứt tình trạng này.

MINH DÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên