Cần có cơ chế quản lý lực lượng phòng chống tội phạm

Cập nhật: 22-04-2011 | 00:00:00

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTT trong thời gian qua có nhiều thành tựu khả quan. Nhân dân đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật trong việc tuần tra canh gác, truy bắt tội phạm, tấn công các loại tệ nạn xã hội, bảo đảm được ANTT tại các địa bàn. Thông qua các phong trào này đã xuất hiện một số loại hình phòng chống tội phạm hoạt động rất hiệu quả như các câu lạc bộ phòng chống tội phạm (CLB PCTP). Thành tích PCTP của các tổ chức này mặc dù chưa có một tổng kết chuyên biệt nhưng đã được các phương tiện truyền thông và nhân dân thừa nhận với danh phong “ hiệp sĩ”, nhiều cá nhân, tập thể đã được chính quyền cũng như ngành công an, quân đội khen thưởng...

Trước tình hình ANTT tại các địa bàn phát triển nhanh về kinh tế diễn biến phức tạp, các lực lượng thực thi pháp luật không đủ sức quán xuyến tình hình thì rất cần những CLB PCTP này tồn tại cùng phối hợp để tổ chức giữ gìn ANTT chung. Nhưng trong quá trình hoạt động, vừa qua cũng có nhiều vấn đề cần phải xem lại và chấn chỉnh để đưa loại hình tổ chức này hoạt động phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như phát huy hiệu quả. Trước hết là tính “chính danh” của nó. Đây là tổ chức gì? Cơ quan nào quản lý? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động ra sao? Cần phải được thể hiện bằng văn bản pháp quy. Hiện nay, riêng tên gọi cũng đã không thống nhất, nơi là CLB, nơi là tổ PCTP, nơi là tổ thanh niên tự quản, tổ xe ôm... Thứ hai là vấn đề quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ và chính sách chế độ... Hầu hết các thành viên tham gia loại hình tổ chức này là tự nguyện, trong quá trình kết nạp tiêu chuẩn chủ yếu là dấn thân, “chịu chơi”, gan dạ và nhiệt tình... Đa số anh em trong các tổ chức này có trình độ học vấn thấp nhất là trình độ nhận thức về pháp luật nên khi săn bắt và xử lý tội phạm ban đầu dễ bị vi phạm các quy định, do phạm vi hoạt động không rõ ràng nên đôi khi ngoài săn bắt trộm cướp, các thành viên còn tấn công tội phạm ma túy, buôn bán hàng lậu và kể cả tội phạm về môi trường nữa... Đây là các loại tội phạm đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn để phòng chống. Hơn nữa, trong PCTP nếu không có sự phối hợp sẽ gây cản trở và nhiều khi “phá án non”. Kinh phí hoạt động cho loại hình tổ chức này là vấn đề cũng đáng bàn, hiện nay theo phương châm tự túc là chính, ngoài việc chi cho xăng xe, ăn uống nhiều khi phải thuốc men vì tai nạn, phần lớn kinh phí hoạt động là do sự hảo tâm của cá nhân và tổ chức ủng hộ, nhưng nếu không có sự quản lý bài bản thì sẽ dễ phát sinh tiêu cực từ quá trình tự ủng hộ đó. Nếu đã thừa nhận về mô hình tổ chức hoạt động của loại hình PCTP này thì nên có chế độ chính sách hẳn hoi, nhất là khi các thành viên bị tai nạn trong khi thực thi nhiệm vụ...

Trong thời gian tới, thiết nghĩ chính quyền và ngành chức năng nên sớm có quy định quản lý về loại hình tổ chức này, nhất là tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng PCTP, kiến thức pháp luật... đưa tổ chức này vào quản lý có khuôn phép không thể để “tự bơi” như hiện nay để vừa phát huy hiệu quả vừa tránh được tiêu cực có thể xảy ra. Thời gian vừa qua, ngoài những ưu điểm đã được thừa nhận thì cũng đã có những dư luận không tốt về hoạt động của tổ chức này.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên