Cần hiểu đúng cụm từ “Bình đẳng giới”!

Cập nhật: 08-03-2014 | 00:00:00

Gần đây, cụm từ “bình đẳng giới (BĐG)” luôn được nhắc tới như một sự không thể thiếu trong xã hội tiến bộ, đặc biệt là một xã hội đang phát triển như Việt Nam.

Theo tài liệu của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2004 thì “BĐG là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới”.

Với khái niệm này, BĐG không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và cũng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50 mà là sự khác biệt về giới tính trong các vai trò sản xuất, tái sản xuất, vai trò chính trị và cộng đồng, đặc biệt là sự chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc các thành viên gia đình để tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện; đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống do việc mang thai, sinh con, gánh vác phần lớn lao động gia đình.

Năm 1910, Tuyên ngôn về quyền bình đẳng của phụ nữ được công bố tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) lần đầu tiên vấn đề bình đẳng cho phụ nữ đi làm việc được đặt ra với các nguyên tắc cơ bản là làm việc ngày 8 tiếng (để chăm sóc gia đình); giờ làm ngang nhau thì tiền công phải được trả ngang nhau; phụ nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú... Và báo cáo mới nhất về thực hiện chương trình Mục tiêu thiên niên kỷ của Chính phủ, nêu rõ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vược bậc về BĐG. Địa vị của phụ nữ đã được nâng cao trong các mặt của đời sống xã hội, BĐG đã được tăng cường trong lĩnh vực lao động và việc làm, giáo dục và đào tạo cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp.

Tuy nhiên trên thực tế, không hẳn ai cũng hiểu hết ý nghĩa của cụm từ “BĐG”? Và khi hiểu chưa trọn vẹn thì khó thể có hành động, thái độ ứng xử trước các vấn đề, tình huống... một cách đúng đắn. Đó cũng chính là nguyên nhân mà cả xã hội của chúng ta vẫn đang phải phấn đấu cho việc BĐG. Thông tư 26/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành và có hiệu lực vào ngày 15-12-2013 đã chứng minh rất rõ. Danh mục 77 công việc mà phụ nữ không được làm không những không có giá trị pháp lý mà còn không thực thi trong cuộc sống; bởi danh mục đã vô tình làm cho phụ nữ ít việc làm hơn, đẩy công việc nặng nhọc về phía nam giới nhiều hơn, tạo ra bất BĐG giữa nam và nữ rõ rệt hơn.

Việt Nam đã có rất nhiều hành động nhằm giảm bớt sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Những hành động này thậm chí đã được thể chế hóa thành chính sách Nhà nước, thành văn bản luật, đơn cử như Luật BĐG được ban hành năm 2006 và mới đây là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Do vậy, để hiểu đúng cụm từ “BĐG”, các ngành, đơn vị và các cấp chính quyền cũng đã quyết liệt thực thi chính sách bằng những hành động cụ thể để phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng như nhau, cùng phát huy hết khả năng và thực hiện các nguyện vọng, tham gia, đóng góp và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, đặc biệt là bình đẳng ngay trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=351
Quay lên trên