Cần khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên

Cập nhật: 21-09-2011 | 00:00:00

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong cả nước đang khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đợt tổng kiểm tra lần này, các địa phương sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác mỏ vật liệu xây dựng nếu thấy có các biểu hiện vi phạm về an toàn. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an toàn lao động theo quy định...

Tại Bình Dương, nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ xây dựng chủ yếu là đất, đá, cát. Trong thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan đã rất quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên nói trên, tuy nhiên hoạt động khai thác lậu, khai thác không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường vẫn còn diễn ra. Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, kéo theo nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng là rất cao. Việc đưa vào khai thác các mỏ vật liệu xây dựng như đất phún, cát, đá... phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh là tất nhiên. Tuy nhiên, lợi dụng việc cấp phép này, không ít doanh nghiệp đã thực hiện khai thác theo kiểu tận thu, bán được càng nhiều càng tốt, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, dễ thấy nhất là tình trạng khai thác đất bừa bãi tại Dầu Tiếng, khai thác đá theo kiểu “tận thu” tại Tân Uyên và khai thác cát xây dựng quá mức gây sạt lở bờ sông diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Do nhu cầu đất san lấp mặt bằng tại các công trình tăng cao, thời gian qua các doanh nghiệp san lấp trên địa bàn tỉnh tìm về các xã vùng sâu, vùng xa để lùng mua đất cung ứng cho các công trình. Những khu đất phún cằn cỗi trước đây bỗng chốc có giá, trở thành “miếng mồi béo bở” để các doanh nghiệp san lấp tranh giành, mua bán, khai thác bất chấp các quy định của pháp luật. Những vườn cao su, điều xanh tốt nhưng tiện đường, dễ vận chuyển “bỗng dưng” biến thành bãi khai thác đất. Người có phép khai thác, người không phép cũng cố xin cải tạo đất để có cớ móc đất đem... bán! Việc khai thác đất trái phép đã và đang để lại hậu quả là đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì hầu hết những bãi đất sau khi khai thác đều không được cải tạo bài bản. Đối với nguồn đá xây dựng, ở đâu được cấp phép khai thác thì ở đó người dân không một ngày được yên ổn làm ăn, bởi tình trạng nổ mìn, bụi đá và gần như tất cả các con đường nơi đây đều tan nát do từng đoàn xe quá tải, quá khổ hoạt động suốt ngày đêm! Cùng với việc khai thác đất, đá bừa bãi theo kiểu tận thu, suốt một thời gian dài người dân sống gần bờ các con sông Sài Gòn, Thị Tính, Đồng Nai đều phải kêu cứu vì tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát quá mức cho phép.

Nguồn tài nguyên khoáng sản là có hạn, nên việc khai thác, sử dụng phải hợp lý, nếu khai thác bừa bãi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Do vậy, việc tổng kiểm tra tình hình cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, kiên quyết thu hồi các giấy phép cấp không đúng quy định, tổng kết việc phân cấp cấp phép hoạt động khoáng sản cho các địa phương, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản là cần thiết. Trong tương lai, Nhà nước cần xây dựng, ban hành chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản và có giải pháp tổng thể cho từng loại khoáng sản nhằm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.

Lê Quang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên