Đến giờ này, thời điểm công bố các giải thưởng Nhà nước và danh hiệu nghệ sĩ về văn học nghệ thuật vẫn chưa được ấn định cụ thể. Nguyên nhân do trong quá trình xét duyệt vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận có phần gay gắt. Đó là chưa kể đến “hiện tượng” một số tác giả xin rút tên khỏi danh sách đề cử... Đầu tiên là nhà văn Sơn Tùng, tác giả tiểu thuyết “Búp sen xanh”, người vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động đã bất ngờ có đơn xin rút khỏi danh sách ứng viên giải thưởng Nhà nước. Tiếp đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên, dù được Hội Nhạc sĩ Hà Nội và Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiến nghị hội đồng xét giải Nhà nước đặc cách vào danh sách xét giải Hồ Chí Minh, nhưng ông đã kiên quyết từ chối viết đơn. Trường hợp của nhà văn Nguyên Ngọc tréo ngoe hơn. Ông Ngọc không hề làm hồ sơ và đơn xin, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam lại tự ý làm. Tác giả của “Đất nước đứng lên” biết vậy đã đề nghị rút tên ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng tự rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh vì ông nhận thấy tác phẩm “Cõi lặng” của mình mới chỉ xuất bản được 3 năm, chưa đủ thời gian (5 năm) theo quy định để tham gia. Người thứ năm là cố nhà văn Sơn Nam. Gia đình nhà văn Sơn Nam đã đệ đơn xin rút tên ông khỏi danh sách ứng cử giải thưởng Nhà nước. Lý do xin rút được bà Đào Thúy Hằng, trưởng nữ của cố nhà văn Sơn Nam giải thích, việc hệ trọng này đúng ra cha bà phải là người quyết định.
Những vụ việc “lùm xùm” phát sinh trong thời gian qua có thể thấy được nguyên nhân là do một số hội đồng cơ sở chưa quán triệt đầy đủ các quy định, hoặc chưa giải thích rõ ràng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp hoặc đưa ra bình phẩm trước dư luận. Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cũng theo quy trình, thủ tục và hồ sơ. Tuy nhiên, đối với những nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc sẽ được đặc cách xét phong tặng. Như vậy, tất cả đều có quy định chi tiết, rõ ràng. Chẳng qua ngay tại các cơ sở áp dụng thiếu chuẩn xác hoặc tiến hành bình chọn, đề nghị hời hợt qua loa, sơ sót, có khi hiểu lầm dẫn đến dư luận cho là thiếu công tâm. Nhưng cũng nên nhắc lại rằng, những nghị định, thông tư về việc xét tặng giải thưởng Nhà nước và danh hiệu được soạn thảo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vì vậy hiện nay khi áp dụng mà không được bổ sung, điều chỉnh thì có những quy định lỗi thời, không còn phù hợp. Nói về quy định xét duyệt giải thưởng Nhà nước, danh hiệu nghệ sĩ, ông Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận, cơ chế bao cấp của 30 năm trước vẫn lộ rõ hệ lụy của nó trong những quy định cứng nhắc. Quả đúng như vậy.
Việc có những tác giả quay lưng với giải thưởng, danh hiệu vì họ tự nhận thấy chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, không muốn để người khác bình xét về mình dễ làm tổn thương tinh thần. Họ cho rằng, những “đứa con tinh thần” và sự đóng góp của mình được đông đảo công chúng ghi nhận là đủ. Suy cho cùng, những danh hiệu, giải thưởng chỉ có giá trị đích thực nếu thực sự được công chúng ghi nhận, ngưỡng mộ và có ảnh hưởng xã hội. Nhật Huy