Những ngày qua, trên cả nước xuất hiện liên tiếp các vụ việc học sinh gây lộn rồi đánh nhau như trong phim hành động. Chỉ vì một vài mâu thuẫn cỏn con, các em đã không ứng xử khéo léo, chuẩn mực mà lại hành xử theo cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với bạn bè đồng trang lứa. Không những thế, ngay cả những em học sinh nữ còn chủ đích và tham gia trực tiếp vào các vụ đánh nhau làm dấy lên mối lo lắng, băn khoăn về tình trạng bạo lực học đường.
Dư luận đang bàng hoàng về đoạn clip một nhóm các em học sinh ở trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đánh một học sinh nữ của trường này một cách thật tàn nhẫn. Lý do em học sinh này bị bạn đánh chỉ vì không nghe theo lời của lớp trưởng (người chủ động gây ra vụ việc). Chỉ thế thôi mà em đã bị các bạn học cùng lớp đánh đấm tơi bời, thậm chí dùng cả ghế đánh đập không thương tiếc. Chưa hết sững sờ, người dân lại phải chứng kiến những hình ảnh một nhóm học sinh của trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đánh nhau như những cảnh trong các bộ phim hành động. Nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai bạn học sinh lớp 9. Các em nhờ bạn lớp bên can thiệp rồi lời qua tiếng lại, kết hợp với sự kích động của hai cựu học sinh cá biệt nên dẫn đến xô xát tập thể, mặc dù hai cá nhân chính trong vụ mâu thuẫn đã làm hòa với nhau!
Theo các chuyên gia tâm lý, các vụ việc đánh nhau của học sinh cũng không phải là lạ và từ lâu cũng vẫn thường xảy ra bởi ở lứa tuổi học sinh vốn có nhiều biến động tâm sinh lý nên rất dễ xảy ra những phản ứng mà người lớn không mong muốn. Thêm vào đó, hậu quả từ việc xem những bộ phim hành động mang tính bạo lực cũng đã tác động rất tiêu cực đến cách hành xử của các em học sinh, vốn là một đối tượng thường hay a dua, học theo và dễ bị tiêm nhiễm với các thói hư, tật xấu. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet như vũ bão hiện nay, cùng với những thông tin tích cực trên mạng, các em cũng rất dễ dàng tiếp cận với những thông tin tiêu cực, độc hại làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm hồn của các em.
Sau những vụ việc đánh nhau của các em học sinh, dư luận đang hướng chỉ trích vào các nhà trường nơi xảy ra các vụ bạo lực. Đành rằng, việc một em học sinh bị bạn đánh thậm tệ mà suốt trong 2 tháng trời nhà trường không biết là khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, không thể dồn hết trách nhiệm cho nhà trường được. Ở đây phải cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo ra được một môi trường giáo dục thật tốt cho các em từ trong gia đình, tại nhà trường và bên ngoài xã hội. Khi các thành viên trong gia đình, các thầy cô giáo và mọi người trong xã hội luôn có thái độ ứng xử một cách văn hóa và đậm tính nhân văn sẽ là những tấm gương để các em noi theo. Có như thế, vấn nạn bạo lực học đường mới được hạn chế và ngăn chặn.
ĐÀM THANH