Cần nghiêm trị thói làm ăn “vô đạo đức”!

Cập nhật: 19-04-2014 | 00:00:00

Mờ sáng ngày 15-4, khi kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên, Hà Nội; công an phát hiện có tư thương đang ngâm hàng trăm ký mực, đã phân hủy thối đen trong thùng phuy chứa hóa chất nhằm tẩy trắng, tẩy mùi… để đưa ra bày bán! Kho này lưu giữ 750kg mực ống; trong đó có 150kg đang ngâm trong hóa chất! Theo khai nhận của chủ hàng, mực thối kém chất lượng được mua sỉ với giá 12.000 đồng/kg; qua công đoạn “xử lý” sẽ trở thành mực tươi mới và bán ra với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Xem tin này phát trên tivi, thấy cảnh “phù phép” này ai cũng bất giác rùng mình, hoảng sợ! Sao họ lại dám làm như thế? Nếu như không phát hiện kịp thời, chúng tuồn ra bày bán ở thị trường, ắt sẽ gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng là cái chắc! Dư luận bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xem thường sinh mạng con người này.

Kiểu làm ăn chụp giật, bất nhân này không phải là chuyện mới; vì trong thời gian qua vẫn thường xảy ra không ít cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, thương lái tùy tiện sử dụng hóa chất để ngâm tẩm, tẩy mùi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tạo nạc, bón thúc cho cây trồng, vật nuôi tăng trưởng nhanh, sử dụng chất phụ gia độc hại… là tình trạng khá phổ biến. Cũng vì hám lợi mà họ vứt bỏ lương tâm, thậm chí đưa chất độc vào thực phẩm, tích tụ lâu ngày hủy hoại dần sức khỏe của người tiêu dùng; song xem ra việc xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe để làm chùn tay kẻ xấu. Đối tượng sẵn sàng nộp phạt rồi lại tiếp tục sai phạm, chỉ vì họ không thể bỏ qua khoản lợi nhuận cao, hơn cả chục lần so với khoản xử phạt; tính ra là quá nhẹ so với thiệt hại của toàn xã hội. Vì vậy, các văn bản pháp luật về ATVSTP rất cần cập nhật; bổ sung cho hoàn thiện và đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng quản lý, sát hợp với tình hình đời sống xã hội. Một số chuyên gia pháp lý đã nêu ý kiến về vấn đề này, rất được người dân đồng tình; đó là cần thiết cho bổ sung, sửa đổi quy định của Bộ luật Hình sự theo hướng: Đưa ra xử lý hình sự nếu đương sự đã từng bị xử phạt hành chính về vi phạm ATVSTP, hoặc “có khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng” - được xem như đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các biện pháp chế tài, xử phạt cũng cần mạnh tay, kiên quyết; không chỉ với các đối tượng sản xuất, chế biến, vận chuyển, cung cấp, buôn bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP mà còn phải xem xét xử lý đối với người có trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra nếu như để xảy ra sai sót chuyên môn, tắc trách trong khi thi hành công vụ.

Xã hội luôn tôn trọng những người làm ăn chân chính, nỗ lực đầu tư công sức, trí tuệ với mong muốn kinh doanh hợp pháp để làm giàu, góp phần làm ra của cải và nâng cao đời sống xã hội; song ở đâu đó vẫn còn không ít kẻ chuyên tính kế làm ăn chụp giật, miễn là kiếm tiền nhanh, bất chấp hậu quả gây ra cho xã hội, thậm chí gây tác hại đến sức khỏe của cả cộng đồng. Như thế là thói làm ăn “vô đạo đức” bất lương; nhất thiết phải bị lên án và pháp luật cần mạnh tay nghiêm trị.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=325
Quay lên trên