Từ đầu tháng 3 năm nay, giá điện đã được điều chỉnh tăng 15,28%. Và mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị cho phép điều chỉnh tăng giá bán điện. EVN không đề nghị tăng theo lộ trình như trước đây mà là tăng ngay trong tháng 9 này. Lý do EVN đề xuất tăng giá điện là do lỗ, nợ và thiếu vốn. Năm 2010, EVN lỗ trên 8.000 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2011, lỗ thêm 2.000 tỷ đồng.
Lâu nay, chúng ta thường nghe thông tin báo cáo lỗ từ các tập đoàn Nhà nước, trong đó có EVN. Tuy nhiên lỗ như thế nào? Các khoản chi phí ra sao? Nguồn nhân, vật lực đã được đầu tư, khai thác hiệu quả chưa?... thì không thấy ai phân tích hay được biết đến. Tình trạng thua lỗ tại các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước không phải là chuyện mới. Đằng sau những con số thua lỗ này là do khó khăn khách quan, do năng lực quản lý yếu kém hay còn vì lý do nào khác vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, những thuận lợi vượt trội so với các thành phần kinh tế khác như nguồn vốn, nguồn nhân sự, tài nguyên, thậm chí là sự ưu ái từ cơ chế, chính sách thì ít được nhắc đến. Ngoài ra, ngành điện đang tồn tại nhiều nghịch lý. Ngoài những nghịch lý thuộc về cơ chế thì vẫn tồn tại nhiều nghịch lý và yếu kém trong công tác dự báo, quản lý điều hành. Mặc dù tình trạng thiếu điện trong nước vẫn xảy ra thường xuyên nhưng vẫn có thời điểm phải xuất ngược điện sang Trung Quốc. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp một số nhà máy sản xuất điện đã không bán được cho EVN. Mấu chốt vấn đề là giá điện.
Thông tin EVN đề xuất tăng giá điện đã làm dư luận lo ngại. Các chuyên gia kinh tế đã phân tích và cho rằng, giá điện không nên tăng đến hết năm nay. Bởi lạm phát ở nước ta còn đang rất cao. Nếu giá điện tăng sẽ làm cho đời sống người dân, kinh doanh của doanh nghiệp thêm khó khăn. Chính phủ đã có chủ trương hạ lãi suất để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Việc tăng giá điện cần tránh gây “sốc” cho nền kinh tế và khó khăn cho đời sống xã hội.
Được biết, tới thời điểm này, EVN chưa trình Bộ Công Thương phương án tăng giá điện. Và giá điện có tăng ngay trong tháng 9 này hay trong thời gian tới thì cần phải cân nhắc lợi - hại. Khi xăng dầu, điện... tăng giá, tất yếu kéo theo việc tăng giá hàng hóa, vì chi phí xăng dầu, điện được cơ cấu vào giá thành, giá bán sản phẩm. Vì vậy, việc tăng giá điện phải đi kèm với những giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Nhật Huy